Coaching tình huống em bé 3.5 tuổi ăn vạ, không chịu tắm nhưng vào tắm thì lại không chịu ra, mẹ quát tháo không được

Bạn thân mến,

Đây là bài coaching số 01 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 02” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã xin phép nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực cùng học tập. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.

Nhận được câu hỏi của D, Bố Ken nhắn và hẹn tối nay Coach trong nhóm, đúng 8h30 tối, mình mở một bài nhạc nhẹ quen thuộc và bắt đầu hỗ trợ:

Tình huống: “Đang chơi đồ chơi mẹ bảo đi tắm (trước đó đã nói mẹ đi lấy nước tắm trước, lấy xong đi tắm ok rồi) nhưng lấy xong gọi tắm lại không chịu, muốn chơi thêm, mẹ phải mắng mới vào. Đến lúc tắm xong gọi lên lại không lên, thích nghịch nước nữa.”

20240726_0uLj7yY4.png

Bố Ken (BK): D xong việc và sẵn sàng nhắn Bố Ken em nhé

Chị D: Em xong việc rồi ạ

BK: Ok D à, Bố Ken sẽ hỏi một số câu hỏi, em trả lời chân thật nhé, câu nào tế nhị quá không tiện trả lời trong nhóm em cứ nhắn riêng, nhé.

@all Các bạn, đây là chương trình Coaching, sẽ hỏi nhiều câu hỏi sâu, các bạn tuyệt đối không vội đánh giá/phán xét. Bất cứ lời góp ý nào, chia sẻ nào hãy QUÁN TÂM mình trước. Là mình đang thấy rõ, là mình muốn giúp bạn chứ không chỉ xả cái gì đó trong mình. 

Tiếp theo là trong khi Bố Ken coach cho một bạn, chúng ta chỉ thả tim hoặc like khi cảm thấy điều đó là đúng, không nhắn vội, cho đến khi buổi Coach xong, Bố Ken hỏi cả nhóm thì chúng ta có thể trả lời. Ta thả tim xem như xác nhận, nhé. 

Chị D: Vâng ạ

BK: Tình huống của em: vd2: Đang chơi đồ chơi mẹ bảo đi tắm (trước đó đã nói mẹ đi lấy nước tắm trước, lấy xong đi tắm ok rồi) nhưng lấy xong gọi tắm lại không chịu, muốn chơi thêm, mẹ phải mắng mới vào. Đến lúc tắm xong gọi lên lại k lên thích nghịch nước nữa. mẹ phải mắng mới vào

=> Các hoạt động khác có diễn ra theo cách này nhiều không em?

Chị D: Có mắng, không có đánh ạ

BK: Ok em thấy càng ngày càng thường xuyên, có nghĩa đây là một cách chưa đúng, nếu tiếp tục thì càng thậm tệ. 

Bố Ken hiểu khi chưa có cách thức khác thì mình phải thế. 

Nếu ngày hôm nay Bố Ken chia sẻ, em cảm thấy cách mới ok, em sẽ buông cách cũ, thực hành cách mới. Ok chứ D?

Chị D: Vâng ạ

BK: Em cảm thấy những gì khi mình áp dụng cách đó: 

Với con: Ví dụ chai lì,... 

Với chính em: Mệt mỏi, sân si tăng...?

Đúng không em, còn gì nữa không?

Chị D: Em mệt mỏi, kiểu nói nhẹ nhàng không được thành mắng con thành quen, và tần suất mắng ngày càng nhiều.

Con cũng thành bị ép buộc, có lúc còn nói mẹ đừng có nói to với con nữa.

20240726_LZI6gIzD.png

BK: Ok em à, thế là đủ để dừng lại cách thức ấy rồi

@All  Các bạn nếu đang CẢM THẤY DIỄN BIẾN THỂ THÌ CŨNG DỪNG LẠI ĐƯỢC RỒI. Bởi: Nếu cứ tiếp tục sẽ KHÔNG CÓ AI ĐANG NGHE AI, KHÔNG CÓ AI ĐANG MUỐN NGHE AI trong chính căn nhà. Sau rồi ta chỉ là tồn tại với nhau chứ chẳng hạnh phúc hay vui vẻ với nhau. Con lớn hơn thì thật nguy hiểm, đặc biệt môi trường xung quanh đầy độc hại, con sẽ dễ nghe theo bên ngoài.

20240726_RRbUWdiV.png

Trước hết là thấu hiểu cái đang làm là SAI và dừng. Ta đi bước tiếp. . 

Đến lúc tắm xong gọi lên lại không lên thích nghịch nước nữa.

=> Bình thường em cho con tắm bao nhiêu phút nhỉ?

Chị D: Cả tắm gội chắc 10 phút. Bình thường lúc tắm xong em cho con ngồi tự chơi thêm 1-2 phút, có lúc vội thì tắm nhanh không chơi thêm

BK: Lúc vội là vì điều gì D nhỉ? Em sợ lạnh? Vào ăn cơm? Hay gì em?

Chị D: Vâng vội vì việc sau đó (có hẹn/ hoặc muộn cơm/ đi ra ngoài/ tắm muộn quá…)

Đúng rồi ạ, chơi 1-2 phút gọi lên con vẫn muốn chơi tiếp

BK: Sở thích của em là gì D nhỉ? Của em ấy. 

Em gửi 1-2 ảnh của em, 2-3 ảnh của bé Bố Ken xem (Em gửi riêng cũng được nhé)

Chị D: Em đã gửi ảnh qua tin nhắn anh, còn sở thích của em là xem phim, đi du lịch 

BK: Ok, em cần chắc chắn đó là sở thích của mình nhé. 

Ví dụ em đang xem phim, ai đó quát bảo em ra, em có khó chịu không? Bố Ken hỏi thật? 

Ví dụ em đang tận hưởng những ngày vui chơi du lịch, có người bảo em về làm này làm kia, em có khó chịu không? Bố Ken hỏi thật?

Chị D: Vâng có ạ   

BK: Có phải em sẽ rất thoải mái khi được xem một cách trọn vẹn đúng không?

Chị D: Đúng rồi ạ    

BK: Trở lại con chúng ta, em biết con thích nước, NGAY KHI CON ĐANG TẬN HƯỞNG, em nhìn mà xem, cái cách con mân mê hay nghịch gì đó trong nước, nó đang hạnh phúc làm sao, em quát con ra, sau rồi em bảo con không nghe lời? Làm sao ta lại trách đứa trẻ không nghe ta khi chính ta ĐANG KHÔNG NGHE TIẾNG LÒNG CỦA CHÚNG đây?

Em là người lớn, em còn chưa làm chủ được cảm xúc trong mình, em còn tức giận khi ai đó bắt ta dừng thứ ta đang rất thích, thế thì thật khó khi ta yêu cầu trẻ nhẹ nhàng, vâng lời, ngoan ngoãn trong trường hợp này.

Con đã có 9 tháng 10 ngày bên mẹ 

Bước ra đời mẹ là thế giới trong con 

Con dành trọn niềm tin cho mẹ

Con yêu thương và quấn lấy mẹ

Con vô lo và chỉ biết làm những gì mình cho là thích, mình cho là vui, mình cho là hạnh phúc

Sau rồi người mẹ cứ cản những gì đang làm con hạnh phúc

Con sẽ rơi vào trạng thái hoang mang

Có lúc là bạn ấy bám chặt lấy mẹ 

Có lúc là bạn ấy ngờ vực và không tin cậy mẹ nữa, bởi trong suy nghĩ của bạn: Mẹ cần ủng hộ những gì đang làm bạn hạnh phúc chứ, sao lại cản?

Sau rồi sự không tin cậy tăng dần

Sau rồi con không muốn nghe những gì mẹ nói

Sau rồi còn phản ứng khó chịu 

Và đến một ngày, ta với con mất kết nối

D và các bạn hiểu ý chứ? @All

20240726_ErYYSs6E.png
20240726_wQRDqZgO.png

Chị D: Vâng     

BK: Vội vì việc sau đó (có hẹn/ hoặc muộn cơm/ đi ra ngoài/ 

=> Em có thấy cuộc sống của mình bị cuốn, làm cái A vì cái B, làm cái B vì cái C không? Chưa nói nhiều hay ít, có không đã? 

Tắm vì để ăn cơm, ăn cơm vì còn học bài, học bài còn đọc sách,.... ?

Ví dụ thế.

Chị D: Có anh

BK: Em thấy sống thế mệt không? 

Tắm thì cứ thế mà tắm

Ăn thì cứ thế mà ăn

Ta làm có sự nghỉ, ta làm có cái THƯỞNG THỨC trong đó. 

Cái A nó trọn vẹn nó sản sinh ra nguồn năng lượng hạnh phúc, từ cái trạng thái đó ta làm cái B nó ra những kết quả đẹp, cái C cũng vậy... Em hiểu ý chứ? 

Theo em để sống được cách này thì mình cần điều gì?

Chị D: Có lẽ do cách sắp xếp các việc

Vì em đi làm về muộn toàn 18h-18h30, có 2 mẹ con vừa trông nhau vừa nấu cơm tắm cho con, làm cái gì cũng vội không thấy kịp thời gian

BK: Ok em muốn THẢNH THƠI hơn chứ?

Chị D: Vâng có chứ

BK: Ok ta bắt đầu nhé

Chị D: Vâng ạ

BK: Em sợ con ốm khi ngâm nước lâu không?

Chị D: Có sợ a

BK: Em sợ con ốm, thế có sợ con lạnh không?

Chị D: Vâng sợ tắm lâu lạnh và ốm ạ. 

BK: Lần lâu nhất em cho con tắm là bao nhiêu phút?

Chị D: Em cũng không để ý giờ bao giờ.

BK: Em sợ lạnh, em có hỏi con: Con cảm thấy lạnh không? 

Hay là trong em cảm thấy lạnh và em bảo con ra?

Chị D: E không hỏi, em bảo tay con sun là lạnh rồi đấy

BK: Con có hay ốm không D?

Chị D: Bây giờ trộm vía ít ốm ạ

BK: Em có cho con ra sương gió, tắm hồ hay nghịch ở suối gì không?

Chị D: Em thì ít cho đi (tối trong tuần toàn ở nhà). Nhưng ở lớp con sẽ có hoạt động ngoài trời, hoặc ông đón con đi học về sẽ cho ra sân chơi.

Nghỉ hè về quê thì cũng chơi ngoài sân hàng ngày

Đi tắm hồ nghịch suối thì chưa bao giờ

BK: Đứa trẻ sẽ sản sinh ra kháng thể để thích nghi với cái lạnh (không quá lạnh). Điều này làm trẻ khỏe về thân

Đứa trẻ sẽ sản sinh ra năng lượng hạnh phúc khi được vui chơi. Điều này làm trẻ khỏe về tâm, về trí

Em muốn trẻ khỏe, nhưng em lại đang làm ngược lại. D dành mấy phút đọc bài này, chia sẻ cảm nhận của em cho Bố Ken xem: bài viết tại đây

20240726_0XCld3t6.png

Chị D: Nói thật em đọc bài đó xong thấy cũng ok, có lý, mà lúc bảo áp dụng thì lại lười đấy ạ. Cụ thể có bảo cho con tắm mưa thì chính mình là người lười, ngại làm, và người nhà cũng không ai ủng hộ việc đó. Đi nghịch suối… thì mình là người lười đi, ngại trời nắng nóng 

BK: Ok trước hết em hiểu đã, cái có thể làm được ngay, ở trong chính căn nhà, cái vô hại, cái thậm chí hiểu có lợi cho con, thế thì cho con được CHƠI TRỌN VẸN, CHƠI ĐỦ

Thậm chí em nên đưa thêm đồ chơi vào cho con nghịch nước, đơn giản như mấy chiếc cốc, hay là chiếc găng tay này. Kèm thay đổi cách tương tác như sau: 

Trước khi tắm, mẹ hỏi: 

Dx (tên bé) à, có phải con thích chơi với nước không? 

Hỏi 2-3 lần, nói chậm, rõ ràng, hãy để sự chân thành của em khi đặt câu hỏi, không hỏi cho có. 

Thế hôm nay mẹ chuẩn bị nước cho con tắm và chơi, khi nào con chơi xong con gọi mẹ, ok chứ? 

Buông hết nỗi sợ về con ốm, lạnh, dành sự tin cậy ở con. Ok chứ em? 

Tiếp: À, mẹ có cái này con mang vào mà chơi nữa nhé.... 

Em hiểu tác dụng của những tương tác này không? Thử nói Bố Ken nghe? Em có lo lắng nào không?

Chị D: Để tạo sự tin tưởng, liên kết, chia sẻ giữa 2 mẹ con ạ?

BK: Ok em à. 

Một là tập thói quen LẮNG NGHE con, em cần lắng nghe sở thích của con. 

Hai là xây dựng lại niềm tin trong con, con thấy mẹ đang nghe mình, lòng con có cảm giác ồ lên, mẹ không cấm sở thích của mình, mà con đưa thêm đồ chơi cho mình nữa, đây mới chính là mẹ mình chứ...

Khi con tin cậy em, con hiểu những điều mẹ nói là muốn tốt cho con, muốn con vui,... thế thì con sẽ dễ nghe lời hơn, em hiểu ý chứ?

Bước quan trọng sau khi con chơi xong, em cần hỏi: 

Ngày hôm nay Dx cảm thấy thế nào?... chờ một chút nếu cần mới gợi ý: Con có thích không? 

Tiếp: Ngày mai con có muốn chơi vui thế này không? Em hiểu tác dụng của việc này chứ?

20240730_qm809NRI.png

Chị D: Em chưa hiểu lắm, mục đích để con chia sẻ cảm nghĩ về mình à

BK: Là để con hiểu con đã được chơi với vui sở thích của mình, mẹ không hề cấm cản con nữa. Không chỉ hôm nay, cả ngày mai nữa... em hiểu ý chứ nhỉ?

Vài ngày sau, khi con được chơi cảm giác thỏa thích, đủ, con không lo sợ mẹ quát lên nữa, em nên nói: 

Dx à, có phải con thích nước không? hỏi 2-3 lần

Ok mẹ hiểu

Mẹ sẽ cho con tắm thoải mái như hôm nay, ok chứ con 

Nhưng nếu hôm nào mẹ không về sớm được, hay nhà mình bận, ta sẽ tắm nhanh hơn, ngày mai ta lại chơi tiếp, ok chứ con? 

Nhớ chờ, lắng nghe con trả lời. 

Đừng vội vàng uốn nắn, yêu cầu này kia ngay. Các con cần được vui chơi, cần được trải nghiệm... Ok chứ D?

Chị D: Vâng

BK: Hãy đi qua các bước này, sau rồi mỗi ngày con tắm sẽ là những ngày vui, con tự nguyện tắm, con tự nguyện ra, không cần thúc giục làm gì cả. Và hôm nào nhà có việc em muốn nói cũng dễ thôi. 

Em xả nước 

Con vào tự chơi vui 

Mẹ cũng thảnh thơi làm việc khác

Em hiểu ý chứ?

Chị D: Vâng ạ

BK: Và hôm nào nhà có việc em muốn nói cũng dễ thôi.

=> Chỗ này em biết cách tương tác với con chưa? Thử nói Bố Ken nghe

Chị D: Cho con được chơi thỏa thích theo con muốn, và ngày nào cũng thế. Và  ngày nào cũng sẽ báo trước với con nếu hôm nào mẹ bận về muộn, thì mình tắm nhanh lên sớm, hôm sau lại chơi tiếp.

Đến hôm mình bận, lúc chuẩn bị tắm sẽ nói với con luôn là hôm nay mình tắm muộn, nên tắm nhanh hơn, mai mình lại chơi tiếp nhé?

BK: Em biết tại sao Bố Ken cứ hỏi em mà chưa vội đưa ra câu trả lời không?

Chị D: Để em tự ngẫm trước

BK: Ok tốt em. 

 - Để Bố Ken nghe và hiểu em đang thế nào 

 - Để em tự suy ngẫm, những việc này dày lên, nhiều lên, sau này em rời khóa học, em sẽ đủ vững vàng.

Chị D: Vâng ạ

BK: Ok, đây mới là phần sau của việc tắm, ta đi tiếp phần đầu em nhé.

Chị D: Vâng ạ

BK: Vd2: Đang chơi đồ chơi mẹ bảo đi tắm (trước đó đã nói mẹ đi lấy nước tắm trước, lấy xong đi tắm ok rồi) nhưng lấy xong gọi tắm lại không chịu, muốn chơi thêm, mẹ phải mắng mới vào

=> Nãy giờ học rồi, giờ D nói coi, ta nên tương tác thế nào khi con đang chơi đồ chơi?

@All Các bạn thực sự chú tâm hoặc mai đọc kỹ nhé.

Chị D: Là nếu mình rủ con đi tắm (hỏi con có thích chơi với nước không? … như trên) mà con đang chơi vui không muốn tắm -> Để con chơi tiếp, lúc nào muốn tắm thì gọi mẹ???

BK: Bài học lắng nghe con đang... 

Dx à, con đang làm gì đấy? Em nhớ hỏi trong trạng thái QUAN TÂM, không hỏi cho xong, không mang cái muốn nào đó sớm vào lúc này.

Có phải con thích chơi.... 

Con muốn chơi tiếp không? 

Tùy vào tình huống, thời gian, em có thể hỏi: 

Ok thế con chơi tiếp xong vào nghịch nước và tắm nhé. 

Hay là con muốn vào nghịch nước và tắm sau rồi ra chơi tiếp?

Em hiểu cách tương tác Bố Ken đang hướng dẫn em chứ D?

Chị D: Không nóng vội, gợi câu hỏi từ từ đến trọng tâm ạ. Và thể hiện được sự lắng nghe con, quan tâm con, không ép con. Cho con lựa chọn.

Xong mai em vẫn phải đọc lại để ngấm ạ.

BK: Ok D. 

Ta lắng nghe từ một việc, năng lực nghe ta tốt lên, ta có thể nghe con trong nhiều việc

Ta xây niềm tin từ một việc, niềm tin trong con tăng lên, con có thể tin ta từ nhiều việc khác.

Và nhiệm vụ của chúng ta là thật sáng suốt khi muốn con/cấm con/cản con... làm gì đó. Kẻo lãng phí niềm tin của con dành cho chúng ta. 

20240726_5VrX1JiN.png

Hôm nay tạm thời bóc tách một tình huống đã.

D và các bạn @All  đặc biệt các bạn đang theo dõi, chia sẻ cho Bố Ken xem: 

 - Mình cảm thấy thế nào về buổi Coaching hôm nay 

 - Mình có đang gặp tình trạng này không và mình học được những bài học gì?

 - Mình cảm thấy ấn tượng điều gì, và ngày mai mình xác định áp dụng luôn chứ? 

D và các bạn nhớ chia sẻ những bài học, những thành quả, những thắc mắc liên quan bài Coach thôi, còn khó khăn khác thì ta cập nhật link, nhé. 

D và vài bạn thử trả lời Bố Ken xem: Mình chia sẻ lại để làm gì?

Chị D: Chia sẻ để xem mình đã áp dụng đúng chưa, hay bị sai ở bước nào thì kịp thời chỉnh sửa,… để cảm nhận con đã có thay đổi chưa ạ. 

Mai em sẽ áp dụng luôn.

BK: Ok em à. 

@All 

Học trước khi làm 

Sửa/điều chỉnh/cải tiến trong khi làm

Muốn biết sửa hay cần điều chỉnh gì thì chúng ta cần bộc lộ ra, cần chia sẻ ra.

Ok trước hết chia sẻ Bố Ken nghe, xem mình cảm thấy thế nào và học được gì như trên, để Bố Ken xem hiểu đúng ý chưa các bạn nhé. 

Và các thành viên dần chia sẻ những cảm nhận, những bài học của mình, các bạn nhớ đọc hết để thấy phần đúc kết của Bố Ken nữa nhé:

Mẹ TM: Bài học hôm nay rất hữu ích ạ. Em sẽ áp dụng cho 2 bạn nhà em ạ. 

Em học được sự tôn trọng con, lắng nghe từ con nhiều hơn thay vì cứ chạy theo luồng công việc. 

Em ấn tượng từ câu nói ví dụ mà Bố Ken đưa ra ạ. Em nói vẫn còn có sự thúc dục, sai khiến con mà chưa có sự lắng nghe con. Ngày mai em sẽ áp dụng luôn vào tình huống này ạ

Mẹ KT: Tình huống này làm em hiểu ra là mình đang thúc giục và ép con rất nhiều, do mình cảm giác không có thời gian để làm những việc khác ạ. Nhưng e có 1 vấn đề lăn tăn ở chỗ này là con mất niềm tin vào bố mẹ có phải ở những lần mình giục và ép con như thế này không à, biểu hiện của việc mất niềm tin là gì và làm sao mình biết được là con đã có dần lại niềm tin với bố mẹ.

Mẹ TT: Bài học hôm nay e thấy rất hữu ích. Em học đc mình cần lắng nghe con nhiều hơn và tôn trọng con. Em rất ấn tượng những câu Bố Ken hướng dẫn để nói chuyện với con. Em sẽ áp dụng ngay ngày mai ạ!

Mẹ LM: 

Em thấy bài học hôm nay cũng hữu ích vì em nhìn thấy được tình huống của mình trong đó. Em cũng từng ép con ra nhanh khi con đang muốn chơi tiếp và lần nào như vậy bé cũng khóc giãy lên… mai em sẽ thử áp dụng thêm những câu hỏi của anh để có thể lắng nghe con nhiều hơn. Cảm ơn anh.

Mẹ HHN: 

Em sẽ đọc lại toàn bộ nội dung trao đổi giữa Bố Ken và D, đặc biệt những nội dung mà Bố Ken chia sẻ để thấm hơn và áp dụng với 2 bé ạ. Qua đây, em nhận thấy bản thân mình chưa thực sự hiểu hết tâm lý của con, chưa có sự lắng nghe con trong mọi tình huống….. Em cảm ơn Bố Ken vì những gì đã chia sẻ trong buổi tối hôm nay ạ! Bản thân em cảm thấy rất hữu ích, rất cần để áp dụng với con mình, cũng cần để thay đổi bản thân ạ

Mẹ T.Th: Bài học hôm nay rất có ích ạ. Bản thân mình luôn bị cuốn theo các công việc nhà khi về đến nhà. Cuối cùng buổi tối bên các con là hoàn thành các mục tiêu mình đề ra: Tắm sớm, ăn đúng giờ, kịp học bài hơn là con được trải nghiệm và hưởng thụ những gì. Mình sẽ thực hành việc sống chậm lại để con được lắng nghe nhiều hơn.

Mẹ ĐT: Bài học hôm nay em nghĩ hầu như các nhà đều sẽ gặp phải, dù ít dù nhiều. Bản thân em cũng gặp rất nhiều lần với bé nhà em, tuy nhiên công việc của mẹ bận rộn, các bé thì lịch học đan xen nhiều khi em chưa thực sự chậm lại cảm nhận và chia sẻ đồng hành cùng con. Có lẽ trong tình huống này cần sửa mẹ nhiều hơn sửa con, bản thân mình chưa lắng nghe chưa chia sẻ, nhưng lại đòi hỏi ở con sự nghe lời, bài học rất hay và hữu ích ạ! Cảm ơn Bố Ken nhiều

 

Còn nhiều, nhiều những chia sẻ các mẹ nữa. . . 

 

Qua bài Coach này các mẹ sẽ hiểu hơn về cách tương tác như nào cho phải, giúp ta thấu hiểu và lắng nghe con, giúp con hiểu và lắng nghe ta, giúp ta kết nối cùng con và thậm chí nữa là giúp con nói tốt hơn thông qua việc lặp lại câu hỏi/câu nói. Bố Ken đúc kết thêm để các mẹ dễ nhớ và thực hành nhé:

 

Giai đoạn 1: Kết nối: 

B1. Lắng nghe con trước: 

Con thích/con muốn nghịch nước đúng không? 

B2. Con lắng nghe mình: 

Lặp lại câu nói đó thêm 1-2 lần tùy vào độ tuổi, tùy vào sự cảm nhận của mình, đặc biệt những lần đầu nên thực hiện chuẩn

B3. Trao con sự tự do: 

Ok vậy mẹ xả nước cho con vào nghịch, khi nào con muốn ra bảo mẹ tắm cho nhé?

(Bạn để nước đủ ấm, trao con sự tự do, tuyệt đối không để nỗi sợ hãi hay công việc sau cuốn theo, cho phép vài ngày được diễn ra như thế)

B4. Trao thêm niềm tin:

À, con muốn mang quả bóng, hay là con voi vào chơi cùng không? (Hiểu xem con thích những gì - những cái có thể mang vào nhà tắm được, nhớ vệ sinh, phơi nắng thường xuyên)

 

Giai đoạn 2: Duy trì: 

Những ngày sau cần duy trì, B4 có thể thêm một số dụng cụ khác như cốc nước, chai nhựa để các con rót, hay những đôi găng tay cao su…

 

Giai đoạn 3: Giúp con thấu hiểu, chấp nhận trọng vui vẻ

B1. Lắng nghe: 

Con tắm hay nghịch nước đúng không? 

B2. Ghi nhận: 

Mấy hôm nay mẹ thấy con….

B3. Giúp con thấu hiểu, chấp nhận trong vui vẻ: 

Ok mẹ đồng ý, tuy nhiên khi nào mẹ hay bố đi làm về sớm thì con cứ tắm thoải mái, hôm nào mẹ về muộn quá, hay nhà có việc thì mình tắm nhanh hơn, con nhất trí chứ? 

 

20240726_oQ8dY9fx.png

Các bạn nhớ: 

Mấu chốt về phần này không phải đạt mục đích con nghe lời

Mẫu chốt đó là TĂNG NĂNG LỰC NGHE của bản thân mình lên. Cái mà con người ngày nay đã và đang đánh mất đi rất nhiều... để rồi KHÔNG AI ĐANG NGHE AI TRONG MỘT CĂN NHÀ. . . 

Việc con nghe lời chỉ là một trong những biểu hiện bạn đã THỰC SỰ NGHE TỐT.  Sẽ có nhiều thành quả nữa kéo theo sau khi bạn thực sự nghe tốt, thậm chí mối quan hệ vợ chồng, đồng nghiệp, ông bà... 

Còn những bài học nữa như việc THẤU HIỂU, CẢM THÔNG... ta sẽ đi dần.

Ok chứ các bạn?

20240726_VKV4HnF7.png

Bạn thân mến, 

Bố Ken hiểu bạn rất yêu con, bạn rất thương con, minh chứng là bạn đã có mặt ở đây và đọc đến dòng cuối cùng này. Thế nên Bố Ken và team đã hỗ trợ tỉ mỉ copy toàn bộ nội dung buổi Coaching để bạn thuận lợi trong việc học và thực hành, mong bạn có thật nhiều kiến thức, năng lực để thấu hiểu bản thân, thấu hiểu con cái, để không bị nỗi sợ hãi mà bạn tưởng là, bạn cho là kìm hãm niềm hạnh phúc, sự phát triển của con.. Mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA, Bố Ken đã và đang thực sự lắng nghe, nghe bằng cả trái tim mình, để cùng các bạn đi lên, để bạn hiểu hơn, sáng suốt hơn. Nên, bạn cũng thế: bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!

Hẹn bạn ở bài Coach số 02 của khóa 02 nhé, tất nhiên:

 -   Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)

 -   Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.

 

Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời

Nguyen Dinh Hieu 

678223999 -  VPBank

Nội dung: Cam on cac bai coaching

 

Thân gửi 

Bố Ken ✍️

 

20241003_J6rQQ78e.png

 

Sao chép thành công mã giảm giá