Bạn thân mến,
Đây là bài Coaching số 03 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 02” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã trao đổi nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực thuận lợi cho việc học. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.
Nhận được câu hỏi của HL, Bố Ken nhắn và hẹn tối nay Coach trong nhóm, các tình huống HL gửi BK như sau:
Tình huống số 1: Ví dụ như hằng ngày bảo bé đi ngủ và đánh thức bé dậy rất khó. Bé sẽ từ chối đi ngủ và phải cho bé xem điện thoại đến khi bé ngủ thiếp. Lúc đó phải tầm 10h30’ đêm. Và sáng hôm sau con phải dậy sớm để đi học. Lúc đó con còn buồn ngủ nên dậy con hay khóc nhè.
Tình huống 2: Khi con đang chơi đồ chơi, mẹ nhắc nhở: Con cẩn thận không vẽ ra bàn nhé. Con nghe thấy vậy lập tức ném đồ chơi đi và bắt đầu khóc to.
Tình huống 3: Khi con đang xem tivi hoặc chơi, mẹ nói con: Mình chuẩn bị tắt tivi đi nhé. Con sẽ hét thật to: Không tắt tivi đâu.
Đúng 20h30 tối, mình mở một bài nhạc nhẹ quen thuộc và bắt đầu hỗ trợ:
Bố Ken (BK): H xong nhắn Bố Ken em nhé.
HL: Em xong rồi BK ạ.
BK: H gửi 2-3 ảnh của bé và 1-2 ảnh của em qua Zalo Bố Ken. BK cảm nhận trước.
HL: Dạ, em gửi rồi.
BK: Ok BK nhận được rồi. Để xem BK cảm nhận đúng không.
@All Các bạn, để buổi Coach diễn ra chân thành, cởi mở, hiệu quả. Chúng ta tuyệt đối không thả đánh giá/phán xét gì vào những chia sẻ của bạn, không chia sẻ ra bên ngoài khi chưa được phép.
Một nơi thực sự an toàn để chúng ta tự tin bộc lộ, vô ngại.
Các bạn thả tim xem như xác nhận điều đó nhé.
Có phải em là người sạch sẽ và ưa thích sạch sẽ, đúng không H nhỉ?
HL: Dạ đúng ạ
BK: Con phản ứng, chống đối như thế, đã bao giờ em đánh con chưa H? Nếu có thì em đánh con mấy lần rồi?
HL: Em có đánh con rồi ạ.
Lúc con ăn vạ mạnh nhất em đã đánh bé 1 lần nặng.
Còn bình thường bé đòi hỏi em có đánh vào tay bé nhiều lần rồi ạ.
BK: Công việc em cũng khá bận đúng không H? BK cảm giác như thế? Không đến mức quá bận nhưng cũng khá bận rộn?
HL: Vâng. Tối em đi làm cũng tầm 18h30 - 19h tối mới về đến nhà.
Về nhà thì em cũng làm việc nhà nữa
Trong giờ làm việc thì em vẫn có thời gian rảnh.
BK: Ok đừng quan tâm BK hỏi để làm gì, đừng sợ bất cứ điều gì, thả lỏng cơ thể em, và cứ chia sẻ thật em nhé:
Em cảm thấy thế nào sau mỗi lần đánh con?
Em thấy cách đánh con khiến càng ngày con càng nghe hay là càng chống đối?
HL: Em vô cùng hối hận sau khi đánh con ạ. Em buồn vì bản thân mình đã không kiềm chế được cảm xúc. Những lần đánh vào tay thì con cũng có rén em hơn. Còn khi con đang khóc to ăn vạ mà em đánh thì em thấy con không có thay đổi gì cả.
BK: Ok em à. BK chọn một ảnh của bé rồi đưa vào nhóm. BK phân tích để em sửa mình, nhé?
HL: Vâng ạ
BK: Cháu tên S, tháng 02/2022. Gần 2.5 tuổi em nhỉ.
HL: Vâng anh ạ
BK: Ok H à.
BK hỏi chút về tuổi thơ em H nhé?
Em cảm thấy tuổi thơ mình thế nào, em còn nhớ không? Em có hay bị áp đặt không? Em có bị quát mắng hay bị đánh không?
HL: Em nhớ anh ạ
Hồi bé em có bị bố đánh. Em bị bố mẹ đặt áp lực phải học giỏi, phải ngoan.
Đến bây giờ em vẫn còn sợ bố mẹ
BK: Sau đó em có chăm chỉ học không H?
HL: Em có chứ ạ.
Em vừa sợ với cả lúc đấy em cũng không phải làm gì ngoài việc học.
Nên em chăm chỉ học và học cũng khá giỏi.
BK: Và em nghe lời bố mẹ trong nhiều việc đúng không?
HL: Đúng ạ. Em không dám làm trái lời bố mẹ mặc dù trong lòng em rất không thích làm việc đấy.
Em cũng không dám nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ về chuyện gì cả.
BK: Bạn bè em ngày xưa thì sao? Các bạn chơi vui không em, hay cũng đều tập trung học?
Em cảm thấy sự tự do vui chơi trong tuổi thơ của mình thế nào?
HL: Hồi xưa em ở xóm nghèo, bố mẹ em không thích cho em chơi với những người bạn trong xóm đó nên em có chơi nhưng cũng sợ vì bố mẹ em không thích.
Khi chuyển đến khu khác và sau này thì những người bạn của em đều đúng ý bố mẹ em nên em chơi rất vui ạ.
Các bạn của em cũng chăm chỉ học hành và cùng những sở thích với em.
BK: @All
H và các bạn,
Khi bố mẹ trong trạng thái tức giận đánh con:
- Đứa trẻ sẽ vâng lời bởi vì nó cảm thấy như thế là an toàn, theo cách này, đứa trẻ đánh mất chính mình. . .
- Đứa trẻ sẽ phản kháng, theo cách này bản lĩnh của trẻ sẽ lớn lên, song song đó là sân hận của bé cũng lớn lên, nếu điều này quá nhiều thì ta không lường được điều gì, nó có thể vô cùng áp lực… Tất nhiên trong tiến trình lớn lên, con vẫn nhận được tình yêu của bố mẹ, lòng từ bi của bố mẹ, tuy nhiên bị đánh đập quá nhiều mà tình yêu thương ít thì đứa trẻ sẽ trở thành một thanh niên đầy tổn thương và uất hận.
Em cảm thấy thế nào khi đọc những chia sẻ trên của BK, H?
Em không muốn xảy ra như thế đúng chứ H? Em thực sự KHÔNG MUỐN CON NGHE LỜI CHỈ VÌ NÓ CẢM THẤY NHƯ THẾ LÀ AN TOÀN chứ? Em cũng không muốn con lầm lì, căng thẳng, stress chứ? Em cũng không muốn sau này con có những câu chuyện cần bố mẹ lắng nghe mà con lại không dám kể chứ? Không muốn mối quan hệ của mình và con lặp lại một cách tương tự như bố mẹ và mình chứ?
Em đủ hiểu mối nguy hại với những thứ mình đang làm chứ? Sẵn sàng dừng cách cũ đó chứ? Đón nhận và thực hành triệt để những cách mới từ BK chứ?
H có thể vừa xem ảnh con, vừa trả lời những câu hỏi của BK em nhé.
HL: Em là người hiểu rất rõ tác hại của việc đánh con. Em đã hứa là khi có con sẽ không đánh con hay áp đặt con như cách bố mẹ em làm với em. Nhưng khi em không làm chủ được bản thân mình em đã làm y như những gì bố mẹ đã làm với em trước đây.
Đó chính là lý do em tìm đến anh ạ.
BK: Ok em, trong em còn trách bố mẹ mình không H? Khi nói chuyện em có hay cáu gắt gì với bố mẹ không?
HL: Em muốn em là người bạn đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời.
BK: Ok em cứ chia sẻ tiếp BK nghe.
HL: Em vẫn trách bố mẹ đã làm em từ một đứa thích tham gia các hoạt động ngoại khoá, năng nổ và không ngại giao tiếp thành 1 người khép kín như bây giờ.
Khi nói chuyện với bố mẹ em còn không nhìn được thẳng vào mắt bố mẹ mà chỉ cúi đầu và nói. Em cũng có cáu gắt với bố mẹ ạ.
BK: H chia sẻ 1-2 tình huống gần đây em cáu gắt với bố mẹ BK xem.
HL: Thường là liên quan đến vấn đề dạy bạn S ạ. Bà ngoại hay phản ứng thái quá với những hành động của S. Khi S cầm cốc bà sẽ: “Ối dồi ôi cẩn thận không vỡ cốc”.
Còn bố em thì hay nhắc là rút hết các thiết bị điện khi không dùng và lên phòng em ngó và rút các thiết bị điện ở phòng em.
Em khó chịu về việc đấy.
BK: Em cảm thấy mình giống bố hay giống mẹ hơn, hay giống cả 2, H nhỉ?
HL: Em thấy em giống bố hơn ạ.
BK: Ok chưa nói đến cách bố làm, em cảm thấy bố tốt bụng chứ, muốn tốt cho em đúng không H?
HL: Đúng ạ. Giờ lớn rồi em hay quan sát những gì bố mẹ làm.
Chỉ có bố mẹ đẻ mới làm cho mình như thế thôi BK ạ.
Bố mẹ thương em nhiều lắm.
BK: Khi em không nghe tiếng lòng của bố, em đổ ra sự khó chịu với người. Trong em tồn tại tập tính đó, trong em tồn tại nguồn năng lượng đó. Em sẽ sử dụng tập tính và nguồn năng lượng đó để tương tác với con. Và chắc chắn rồi, con sẽ không nghe tiếng lòng của em, thậm chí mức độ nặng hơn.
H hiểu ý BK chứ?
HL: Em hiểu ạ.
BK: Một người quan tâm đến mình, mình vô ơn với sự quan tâm đó, bản thân mình sẽ chịu nhiều hệ quả, có thể là sự xa lánh, chưa nói về bên ngoài, mà bên trong thâm tâm sẽ có sự xa cách.
Bố
Thầy em
Hay bất cứ ai đó giúp em...
Giờ em cảm nhận đc sự quan tâm của bố muốn tốt cho con cháu, chỉ là cách thức có thể chưa đúng như ý mình mà thôi, đúng không? Trước hết thế này đã?
HL: Vâng ạ
BK: H muốn bản thân mình thanh thản hơn chứ em?
Bố em năm nay bao nhiêu tuổi rồi H nhỉ?
HL: Bố e 62 tuổi ạ.
BK: 62 tuổi, bố có đáng để em xả những cục tức như thế nữa không?
HL: Không anh ạ :(
BK: Trong cuộc sống, có khi nào em thấy mình sai, sau đó mình xin lỗi chưa em?
HL: Sai với bố mẹ mình hả anh ?
BK: Không, bất cứ ai, kể cả với con em à?
HL: Em có anh ạ.
BK: Khi em sai, em nhận ra lỗi sai, em thành tâm xin lỗi, em cảm thấy mình thanh thản hơn chứ?
HL: Vâng cũng có nhẹ lòng hơn anh ạ.
BK: Ok em à.
Em biết tại sao bố tốt bụng nhưng bố lại không làm cho em vui được không?
HL: Em nghĩ là vì bố làm theo cách bố muốn và bố chỉ nghĩ như thế là tốt cho em.
BK: Cơ bản là bố còn lo cơm áo gạo tiền cho chúng ta
Đâu thời gian tâm trí để học nuôi dạy con?
Giờ chúng ta là người học, chúng ta thấy nhiều cái đúng hơn, thế thì chúng ta không nên phán xét đấng sinh thành, họ, họ không học hành mà làm được thế là tốt lắm rồi.
Ok chứ H?
HL: Vâng em hiểu rồi ạ.
Bố mẹ yêu em theo bản năng.
BK: Khi em còn mang năng lượng phán xét đấng sinh thành, bậc thầy của mình. Thế thì con sẽ lặng lẽ uống những nguồn năng lượng ấy, thế thì con sẽ lớn lên bởi nguồn năng lượng ấy, và đến lúc con sẽ cũng phán xét lại em thôi H à.
Có lẽ sau những cục tức em xả tới, bố cũng không biết chia sẻ cùng ai.
Em ở đây có BK hướng dẫn, đồng hành, em sẵn sàng xây dựng lại mối quan hệ tốt với bố chứ? Em muốn làm gương trước con chứ? Em dám vượt qua bằng cách xin lỗi bố một cách chân thành chứ? Có thể gọi điện, nhắn tin, viết thư... Trước hết BK muốn em hiểu tác dụng của việc này đã. BK sẽ hướng dẫn em thêm cách làm.
HL: Vâng em rất muốn xin lỗi bố mẹ vì những hành xử cộc cằn của em. Nhưng bây giờ bảo em tự dưng xin lỗi thì em thấy hơi ngại
BK: Họ yêu theo cách họ đã được....
Em có thể QUAN TÂM và HỎI HAN tuổi thơ của bố mẹ mình...
Có thể bố mẹ cũng đã từng bị đòn roi
Có thể bố mẹ cũng đã từng bị áp đặt
Bởi ông bà chúng ta cũng cho thế là cách tốt nhất để giáo dục bố mẹ mình.
Khả năng cao là có, em cứ hỏi mà xem, họ thậm chí vừa đói vừa bị ăn đòn chứ không ăn no mà bị ăn đòn như chúng ta.
Nữa, thế hệ ông bà ta cũng được các cụ dạy theo cách như thế
Ta không thương nổi họ lại còn đi trách móc họ, phán xét họ...
Ta, thế hệ ta cần học hành cho đàng hoàng, trở thành người cha sáng suốt, trở thành người mẹ sáng suốt, để KẾT THÚC VÒNG LẶP quát tháo, đánh mắng,... ấy đi. Ok chứ H và các bạn @All
Ok H à. BK hiểu. Hãy tiếp tục đọc và tự trả lời câu hỏi, rằng:
- Cả cuộc đời hết lòng nuôi nấng, đến tuổi già rồi vẫn còn lo toan, em thấy bố có tốt bụng không?
- Bố có xứng đáng nhận cục tức từ em không?
- Bố có xứng đáng nhận được những lời cảm ơn từ em không?
- Em muốn thanh thản không?
- Em muốn làm gương không, tức là sai thì xin lỗi? Em muốn sau này con sai cũng chân thành xin lỗi em chứ? Điều em thấy đúng mà em không làm, em có thể yêu cầu và áp đặt con làm được không?
Nếu em thấy xứng đáng làm
BK sẽ chỉ em cách thức
Em nên nhắn tin hoặc viết thư
Bố à, con đã suy nghĩ nhiều... em hãy thực sự suy nghĩ
Và con thấy rằng
Con muốn nói với bố...
Em có thể nhắn tin, viết thư, hoặc kèm một món quà cùng bức thư... đừng gọi điện, hãy để tâm tình, tấm lòng ấy chạm đến trái tim....
Làm được chứ H?
HL: Tháng sau sinh nhật bố em. Em có thể để đến dịp đó được không ạ?
BK: Hãy tưởng tượng cảm xúc của bố, tinh thần của bố khi nhận bức thư ấy, món quà ấy? Từng ấy tuổi rồi, bố xứng đáng ĐƯỢC HƯỞNG những điều đó từ đứa con của mình, có lẽ ông ấy sẽ rất hạnh phúc vì sự trưởng thành của đứa con gái. H thấy sao?
HL: Vâng. Em nên làm như thế ạ. Em chưa bao giờ tỏ lòng yêu thương từ đáy lòng mình với bố.
Nếu em làm thế em nghĩ bố em cũng sẽ thấy hạnh phúc.
BK: Em hãy quán chiếu, khi cảm thấy việc nên làm, cần làm, đáng làm, thế thì làm luôn, không bám chấp vào sinh nhật hay gì cả, hoặc SN em sẽ gửi tặng bố một món quà khác. Ngày hôm nay, khi được BK chỉ rõ ràng, BK trao động lực vượt qua, mà em chưa làm, thế thì tháng sau có thể bị trôi tuột đi em à.
Hãy suy ngẫm những gì BK đổ ra trong tối nay, làm, chia sẻ cho BK những diễn biến trong lòng em, cảm xúc hay gì đó ở bố, thật khó tả, BK chờ tin nhắn từ em.
Em hiểu tại sao BK hỏi về tuổi thơ em mà chưa đụng đến 3 tình huống em nêu không?
HL: Em hiểu rồi ạ.
BK: Bố xứng đáng H à
HL: Em hiểu là bố em xứng đáng được cảm ơn được bày tỏ lòng biết ơn.
Em chưa hiểu điều này ạ “Em hiểu tại sao BK hỏi về tuổi thơ em mà chưa đụng đến 3 tình huống em nêu không?”
Chắc là tuổi thơ của em có liên quan gì đó đến những hành vi của con em bây giờ ạ?
BK: Ok em. BK vừa Coach để em gột rửa những năng lượng phán xét trong mình. Để nó không đổ ra cho con, đổ ra cho chồng em, đổ ra cho những người khác.
Bằng cách chân thành xin lỗi
Bằng cách chân thành cảm ơn
Người còn nhiều sự phán xét, trách móc, hậm hực, họ sẽ DỄ đổ cục tức ra cho người khác DÙ SAU ĐÓ cảm thấy rất hối hận...
Người giàu lòng biết ơn là người hạnh phúc. Hãy thực hành việc này nhiều vào, hãy để cho lòng biết ơn trong em như một rừng hoa, có cơn gió thổi nó không thể tan hết, nó vẫn tỏa ngát, nó vẫn thị hiện biết ơn trong những khoảnh khắc khắc nghiệt của cuộc sống, đừng chỉ như một bông hoa, có cơn gió đến nó thổi vụt ngay. H hiểu ý BK chứ?
HL: Em hiểu rồi ạ.
Trong em lúc nào cũng thấy nặng nề khó chịu một cái gì đấy.
Sau khi nghe BK coach 1 hồi em vừa khóc đó BK và em thấy thương bố em quá.
Em thấy thương mọi người hằng ngày bị em cau mày nói những lời khó nghe nữa.
Chắc đó là lý do mà có một số người càng ngày càng rời xa em.
Cho e hỏi thực hành lòng biết ơn như thế nào được không ạ?
BK: Ừ em, cách cũ vô hình khiến em tổn thương, và nếu em không tỉnh táo, thế thì em tạo nên một đứa trẻ tương tự, rồi lại tương tự nữa....
Ok H, em mở bài nhạc nhẹ, lắng nghe BK, lắng nghe tiếng lòng mình dành cho bố, cứ để giọt nước mắt rơi xuống thay cho lòng mình.
Ok em à. BK hiểu, dù rằng nhiều khi em không muốn, nhưng em vẫn cứ đổ ra những lời khó nghe,... em đã phần nào đánh mất chính mình, em đã để những thằng cảm xúc tức giận trọng em làm chủ. Nó quá lớn, quá nhanh.... và em trở thành nô lệ cho nó, nó bắt em đổ lên người này, người kia...
Hãy gột rửa liên tục bằng sự thấu hiểu, bằng năng lượng của lòng biết ơn...
Thực hành thế nào?
Em chờ tiếp nhé. Giờ BK sẽ chia sẻ em hiểu một số việc, để không cho là con sai một cách vội vàng, để thằng cảm xúc nó không trồi dậy một cách nhanh chóng.
Tình huống 2: Khi con đang chơi đồ chơi, mẹ nhắc nhở: Con cẩn thận không vẽ ra bàn nhé. Con nghe thấy vậy lập tức ném đồ chơi đi và bắt đầu khóc to.
Em thấy, mối quan tâm của em trong tình huống này là gì?
HL: Em sợ con vẽ ra bàn bẩn bàn ạ
BK: Em lo và thương cho cái bàn?
Em có quan tâm niềm vui, trải nghiệm, kỹ năng con đang không?
Em thấy thế nào H?
HL: Em muốn con tập cách gọn gàng thôi ạ. Kiểu vẽ thì phải vẽ vào giấy.
Em cũng có nghĩ đến trải nghiệm của con.
BK: Bé em có khi nào vẽ lên tường không H?
HL: Cũng có những khi em cho con vẽ lung tung khắp nơi
Nhưng vì ở cùng ông bà, bà sẽ ko hài lòng vì cháu làm bẩn tường
Nên em cũng nhắc con ạ
Dạ có anh ạ.
BK: Lúc ấy phản ứng em thế nào, cứ chia sẻ thật BK nghe.
HL: Vẽ rồi thì cũng bẩn rồi. Em cho con vẽ tiếp ạ
Em chỉ bảo là con vẽ bẩn tường rồi kìa.
BK: Trong em có sự không hài lòng và chờ để nhắc nhở đúng không?
HL: Vâng ạ. Em không hài lòng vì việc đấy.
BK: Em có biết mọi đứa trẻ gần như đều thích vẽ lên tường không?
@All Mọi người còn online thấy đúng thả tim BK xem nhé
HL: Em cũng nghĩ là các bạn ấy thích vẽ khắp mọi nơi.
BK: BK không nói người ưa sạch là sai
BK không nói em muốn dạy con gọn gàng, sạch sẽ là sai.
Nhưng ta quan tâm quá vào việc đó
Thế thì ta bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra
Ta thiếu bao dung cho hành trình lớn lên của trẻ.
@HL và các bạn đọc bài này, trước hết là H: Chia sẻ những cảm nhận trọng em
@All Các bạn khác kết thúc buổi Coaching chia sẻ sau nhé:
"Những đứa trẻ quá ngoan" (link bài viết)
HL: Một đứa trẻ ngoan chưa chắc đã là điều tốt. Trẻ được coi là ngoan là khi nghe lời người lớn, làm theo những yêu cầu, quy định mà người lớn đưa ra. Như thế sẽ làm mất đi tính sáng tạo, mất đi những tiềm năng của trẻ, mất đi những cái riêng của trẻ.
Em hiểu là vậy ạ.
BK: Ok em biết nên tương tác với con thế nào trong những tình huống ấy chưa?
HL: Em nghĩ là để con được tận hưởng giây phút sáng tạo của con.
Bàn bẩn thì có thể lau hoặc để nó bẩn luôn.
BK: Ok em. Trước hết tâm thế quan tâm, dành tình yêu cho con, đừng chỉ quan tâm mỗi cái bàn, cái tường,... nữa.
Sau rồi em đã hiểu về tụi nhỏ thì em có thể cho phép con vẽ lung tung thời gian, hoặc em bảo con vẽ ở một bức nào đó... cái này tùy em. Đứa trẻ không quá khó khi ta nghe chúng.
Con đang thích, bạn như cắt đứt niềm vui ấy trong con, con chẳng tức, bạn lớn rồi đang chơi vui ai đó cắt bạn còn tức huống hồ gì bắt đứa trẻ 3 tuổi làm chủ được cảm xúc. Em hiểu ý chứ?
HL: Vâng em hiểu ạ.
BK: Tình huống số 3 tắt Tivi em tương tác tương tự như những gì Bố Ken đã coach ở bài trước, rồi cập nhật BK xem nhé.
Tình huống số 1:
Ví dụ như hằng ngày bảo bé đi ngủ và đánh thức bé dậy rất khó. Bé sẽ từ chối đi ngủ và phải cho bé xem điện thoại đến khi bé ngủ thiếp. Lúc đó phải tầm 10h30’ đêm. Và sáng hôm sau con phải dậy sớm để đi học. Lúc đó con còn buồn ngủ nên dậy con hay khóc nhè.
H biết tác hại của trẻ khi xem nhiều tivi, điện thoại chứ em? Ảnh hưởng thế nào em?
HL: Em sẽ thực hành ạ.
Đầu tiên là hại cho mắt ạ. Thứ 2 là tivi điện thoại là tương tác 1 chiều, con sẽ chậm tương tác, và con cũng ko có tính sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Hoặc khi xem phải những chương trình vô bổ thì con có thể học theo thói xấu hoặc ảnh hưởng tâm lý khi đi ngủ ạ.
BK: Ok giờ mỗi ngày em đang cho con xem tivi và điện thoại tổng cỡ bao nhiêu phút nhỉ?
HL: Ông bà đón bé đi học về là cho xem ti vi luôn ạ. Xem không kiểm soát ạ. Khi em đi làm về thì em sẽ không cho con xem nữa. Chỉ trước khi đi ngủ thì 2 mẹ con có nằm xem tầm 30’ ạ.
BK: Em thấy con nói tốt không? Con nhiều tình huống mất bình tĩnh chưa?
HL: Bạn ý có thói quen phải xem TV mới ngồi im ăn cơm nữa.
Bạn ý nói tốt ạ. Nhưng con rất nhanh mất bình tĩnh anh ạ
Con chơi đồ chơi mà xếp hình ko được là con bực mình đáp hết hoặc hét lên luôn.
BK: @All Ok H, tình trạng này này thì BK sẽ coach sau, để đủ chạm, đủ cách thức
Buổi Coach hôm nay tạm như thế đã H và các bạn nhé, thực sự có quá nhiều thứ cần suy ngẫm trong đó.
H và các bạn chúng ta đọc lại lần nữa rồi chia sẻ BK nghe, chúng ta cảm thấy thế nào, mình học được những bài học gì? Mình ấn tượng những câu chữ, những nội dung, những lời nhắc nhở nào,...
HL: Em cảm ơn BK về buổi coach hôm nay ạ. Có những tình huống làm em giật mình thức tỉnh. Em sẽ làm theo những chỉ dẫn của BK ạ.
Em cảm ơn BK và mọi người đã dành thời gian cho em hôm nay ạ.
BK: Đặc biệt những bạn hay cáu gắt, lại cáu gắt với bố mẹ mình.... Chia sẻ BK nghe sau khi các bạn đọc nhé @All
Mẹ Q:
Bài coach hôm qua rất hay, em vừa đọc vừa nhận ra bản thân mình đâu đó trong câu chuyện của bạn H. Bản thân em từ nhỏ cũng hay bị bố đánh mắng mỗi khi làm sai, sau đó em rất nghe lời bố mẹ, em trở thành đứa con ngoan như bố mẹ mong muốn và cũng từ đó em đánh mất chính mình. Lớn lên em cũng tự nhủ sẽ không đánh mắng con, để con không còn cảm giác sợ hãi, xa cách bố mẹ như mình.
Tuy nhiên bố mẹ chồng em lại có tư tưởng là cần nghiêm khắc, có thể đánh mắng mỗi khi con hư, để con sợ, như thế con mới ngoan. Và điển hình là chồng em được dạy dỗ rất nghiêm khắc thì hiện tại là người thành đạt trong mắt mọi người, còn em chồng em được chiều chuộng hơn, ít bị đánh mắng thì là người con chưa ngoan, chưa thành đạt như mong muốn của mọi người .
Vì vậy em rất hoang mang, không biết nên làm thế nào mới đúng. Thế nên em tìm đến BK, và bài hôm nay đã giúp em tìm ra câu trả lời .
Em ấn tượng với nội dung: "Có thể bố mẹ cũng đã từng bị đòn roi, có thể bố mẹ cũng đã từng bị áp đặt. Bởi ông bà chúng ta cũng cho thế là cách tốt nhất để giáo dục bố mẹ mình ...
Thế hệ ta cần học hành cho đàng hoàng, trở thành người cha sáng suốt, trở thành người mẹ sáng suốt, để kết thúc vòng lặp quát tháo đánh mắng ấy đi".
Em cảm ơn BK rất nhiều ạ .
Mẹ TM:
Dạ khi em nghe câu chuyện của bạn H. E đã thức tỉnh ra nhiều điều ạ:
- Em cũng trong trạng thái cáu gắt với bố đẻ em và bố mẹ chồng em nữa ạ. Ông bà nhiều lúc chiều cho xem tivi em cũng khó chịu, rồi ăn uống chưa hợp với mình mình cũng tỏ vẻ không hài lòng. Sau khi em ngẫm lại em rút ra kinh nghiệm cho mình trước. Hãy đặt cảm xúc của mình, hiểu cho ông bà nhiều hơn, ông bà cũng chỉ vì thương mình, thương cháu mình ông bà mới lo lắng, quan tâm như vậy. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai mà hãy xem và nhìn nhận bản thân mình trước.
- Từ các bài coach 1,2 em cũng nhận ra rằng hãy để con được thỏa thích, con sẽ tự nói ra con thích gì, con cần gì. Từ lúc em thực hành em vui lắm, bạn bé còn cầm đồ chơi vào cho bạn lớn tắm, bảo “anh này em cầm đồ chơi vào cho anh nè, anh tắm đi”. Rồi rất nhiều những câu nói các bạn ấy nói nhiều lúc mình không nghĩ các bạn ấy lại nói được như vậy
Qua bài coach 3, em đã khóc, khóc ở đây là em thấy được mình trong đó, cảm nhận được mình sai ở đâu. May mắn được học và đồng hành cùng nhóm và BK có thêm động lực, và qua những bài coach này mình sẽ hiểu con mình nhiều hơn. Cám ơn BK rất nhiều ạ
Mẹ H:
"Cơ bản là bố còn lo cơm áo gạo tiền cho chúng ta
Đâu thời gian tâm trí để học nuôi dạy con?
Đúng chứ em?
Giờ chúng ta là người học, chúng ta thấy nhiều cái đúng hơn, thế thì chúng ta không nên phán xét đấng sinh thành, họ, họ không học hành mà làm được thế là tốt lắm rồi. Ok chứ H?"
"Khi em còn mang năng lượng phán xét đấng sinh thành, bậc thầy của mình. Thế thì con sẽ lặng lẽ uống những nguồn năng lượng ấy, thế thì con sẽ lớn lên bởi nguồn năng lượng ấy, và đến lúc con sẽ cũng phán xét lại em thôi H à".
Bài Coach hôm qua em thấy câu nói ngày của BK khiến em ghim lại và suy nghĩ rất nhiều; đâu đó mình để thằng cảm xúc tức giận trong mình lớn nhanh quá và điều khiển mình khiến mình đã hành xử chưa đúng với chính đấng sinh thành ra mình; chưa đúng với con mình sinh ra. Nếu cứ để tình trạng đó kéo dài có thể con mình cũng lặp lại bản ngã của mình;
Nên "Hãy gột rửa liên tục bằng sự thấu hiểu, bằng năng lượng của lòng biết ơn... "
Mẹ H:
Từ lúc tham gia chương trình coaching của BK thì em đang ốm, em không tập trung đọc đc toàn bộ đầy đủ các bài coaching. Đến TH của c Hạnh Lê vừa đọc câu hỏi đầu của BK dành cho chị em biết là em là TH y hệt vậy. Cách để cảm xúc chi phối, nổi nóng với mọi người, trách mẹ ngày xưa sao giáo dục con theo cách đấy để con bây giờ như thế, dù đã tự hứa nhưng có những khi ko làm chủ được cảm xúc, sau đó lại hối hận và lo sợ con khi lớn lên sẽ giống mình. Em vẫn áp dụng luôn các bài Coach của BK, thay đổi đầu tiên từ thái độ của em, tâm thế của em với sự việc, em bắt đầu tìm đc nhiều niềm vui hơn từ việc thấy con dc vui. Hành trình sẽ k dễ dàng và còn rất dài, bước đầu em đã cảm nhận đc tình cảm mẹ con vk ck ấm áp hơn. Vấn đề với bố mẹ em sẽ cần nhiều thời gian hơn để sửa đổi, nhiều khi cái tâm còn sân si, còn ấm ức oán hận mà quên mất mình cũng đã từng có lúc thầm cảm ơn những ng xung quanh.
Hnay em vẫn rất ốm nhưng em k có cảm giác mình đang khổ, chiều đón con ở trg con vẫn muốn chơi rất lâu, thực ra tgian đón con vẫn vậy, k nhanh hơn hay lâu hơn nhưng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thấy con chơi vui mẹ cũng vui, mẹ hỏi nhiều hơn về cảm xúc của con khi chơi, con cứ chơi vài lượt lại chạy lại bảo “thơm mẹ”, thơm rồi lại chạy đi chơi tiếp. Khi về mẹ cũng phải hỏi mấy lần con muốn về chưa, nhưng khi con về thái độ con vui vẻ, con còn dọn đồ chơi các bạn bày ra bỏ đúng chỗ r mới nhờ mẹ cùng đi dép và về.
Sáng hôm sau, HL chia sẻ tiếp:
Xin lỗi được bố xong em thấy lòng nhẹ tênh BK ạ. Em thấy vui lắm.
Sáng nay bố em bị mẹ em mắng. Bình thường em sẽ né chẳng để ý đâu. Nhưng sáng nay em thấy bố mẹ em đáng yêu quá chừng.
Ông bà như đôi chim ri 😂
Bạn thân mến,
Bố Ken hiểu bạn rất yêu con, bạn rất thương con, minh chứng là bạn đã có mặt ở đây và đọc đến dòng cuối cùng này. Thế nên Bố Ken và team đã hỗ trợ tỉ mỉ copy toàn bộ nội dung buổi Coaching để bạn thuận lợi trong việc học và thực hành, mong bạn có thật nhiều kiến thức, năng lực để không bị nỗi sợ hãi mà mình tưởng là, cho là kìm hãm niềm hạnh phúc, sự phát triển của con.. Mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA, bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!
Hẹn bạn ở bài Coach số 04 của khóa 02 nhé, tất nhiên:
- Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)
- Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa ở mục Giáo Dục Tỉnh Thức. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.
Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời
Nguyen Dinh Hieu
678223999 - VPBank
Nội dung: Cam on cac bai coaching
Thân gửi
Bố Ken ✍️