Xin đừng nói dối những đứa trẻ

20240131_hdOYOFS9.png

Nếu ba mẹ muốn được con mình tin tưởng thì đừng rời bỏ bài viết này.

Câu chuyện đầu tiên:

Hai tuần trước, ghé nhà ông anh chơi. Lâu ngày tới anh vui vẻ niềm nở lắm, đang tay bắt mặt mừng bỗng nghe vợ anh quát:

“Ăn không chú Hiếu vào kìa”

Trong đầu mình nghĩ: đã gặp em nó bao giờ đâu ta?, mình hỏi anh

-   Chị nhà hay kể chuyện về em à anh

-   Đâu, cứ đến giờ ăn là chị dọa con, lúc thì cảnh sát, lúc thì bà bị, lúc thì ăn không ma bắt, và có những lúc thì “ ăn không bố mắng, ăn không bố đánh”, những lúc đó anh cũng nghiêm nghị, thấy con nó cũng ăn hết nên thôi. Mà mấy bạn anh cũng thế em à. Con cũng mũm mĩm à.

Nghe xong mình buồn ghê, chắc ai cũng biết mình hiền lành. Vậy mà chị đưa vào TOP 10 người ác trong mắt con. Hơn thế 100 lần đó chính là hình ảnh của người cha - ăn không bố đánh….. Sự giáo dục của người cha mang đến cho trẻ khả năng tự lập, tâm lí tự tin, phẩm chất kiên cường, tinh thần dũng cảm, giúp trẻ tránh được các đức tính tiêu cực như ích kỉ, yếu đuối, dễ nóng giận, trầm lặng, tự ti, từ đó trưởng thành lành mạnh. Nhưng chưa kịp giáo dục gì thì KHOẢNG CÁCH, NỖI SỢ đã chắc như bức tường thành rồi.

Về chuyện ăn uống khi còn nhỏ thực ra không khó, chúng ta có thể vào group ăn dặm Bố Ken lập, nhắn sang Fanpage Shop Bố Ken mua vài cuốn sách là hiểu nguyên tắc hay chế độ dinh dưỡng ngay. Khi lớn hơn thì khác, nó liên quan chồng chéo các hành vi, cái quan trọng là con người của con sẽ hình thành và phát triển như thế nào thông qua những cú dọa, sự lừa dối ở trên kia. Để Bố Ken kể câu chuyện thứ hai, chỉ cách đây vài hôm thôi, nó thấm hơn nhiều nữa

Câu chuyện thứ hai:

-   Bố Ken ơi, Bố Ken làm rõ hộ em về chuyện không nên nói dối đứa trẻ với.

-   Là sao em nhỉ

-   Bà em lúc nào cũng lừa cháu, thực ra ý bà tốt nhưng em thấy càng ngày con càng sợ.

-   Em nói cụ thể hơn anh nghe nhé

-   Mỗi lần chơi bà đều bảo bà ngồi chơi với cháu, xong rồi bà lặng lẽ đi, lúc thì đi nấu ăn, lúc thì đi giặt đồ. Có lần bà còn đi chợ tận 2 tiếng làm con sợ, khóc lóc không thể giỗ được. Em nói thì bà cứ bảo “Bà sợ bảo cháu không cho bà làm việc nữa”. Đó chỉ là ví dụ thôi, chứ nhiều lắm anh à

-   Ok anh hiểu ý em rồi.

Dù chỉ một ít nhưng Bố Ken vẫn mong có ông bà nào đọc được, hơn hết Bố Ken mong những bậc làm cha, làm mẹ hãy khắc sâu trong trí tuệ của mình về vấn đề này.

Chúng ta hãy nhìn lại những cách giao tiếp trên, tại sao không phải nói thật, chẳng nhẽ sự thật chỉ dành cho những người trưởng thành và trẻ em phải được nuôi dưỡng bởi những lời nói dối.

 

Cuộc sống thật may mắn khi được ai đó tin tưởng và càng may mắn khi trái tim mình dám tin tưởng ai đó 100%. Có phải con đang tin hoàn toàn vào chúng ta? Có phải con đang phụ thuộc nhiều vào chúng ta? Có phải con chỉ hết tò mò khi nó biết rõ về sự thật? và có phải con hoàn toàn bao dung cho chúng ta, nó có bao giờ trách móc mình cả ngày hay vài ngày như chúng ta hay hận thù nhau đâu? PHẢI mà. Vậy cớ sao lại đi nói dối những đứa trẻ làm gì?

20240131_Eg6KsGsx.png

Khi chúng ta nói dối quá nhiều thì chính rằng chúng ta đang dạy con trở nên ngờ vực, nó ngờ vực cả chính bố mẹ chúng. Rồi chúng ta sẽ trở nên xấu xí trong tâm trí chúng. Con người ngày càng mất niềm tin vào nhau, kể cả vợ chồng. Sự nghi ngờ luôn xuất hiện. Tất cả điều này đều được hình thành từ khi còn nhỏ và quá nhiều khiến cho xã hội trở nên như vậy.

Mình vẫn nhớ những câu chuyện ngày xưa cha mẹ và đến bây giờ vẫn nghĩ cái tế nhị nhất là giáo dục giới tính: "con được sinh ra từ nách của mẹ, đầu gối của mẹ,...". Nếu hiểu sâu thì cũng không khó, bài này hơi dài rồi, chủ đề giáo dục giới tính Bố Ken chia sẻ sau, có thể là thứ 2 or thứ 6 nào đó như mọi hôm.

Nguyên tắc trong gia đình của Bố Ken cũng rất rõ ràng, không được nói dối con, nếu có điều gì không biết thì thẳng thắn chứ không trả lời cho xong. Những hôm bố mẹ đi ăn ở ngoài, dì đưa Ken vào giấc ngủ hay thậm chí mẹ có về quê vài ngày cũng thông báo trước: “Mấy hôm tới mẹ về quê, con ở nhà với bố nhé”, song song bố cũng dành thời gian nói chuyện với con về việc sắp tới bố ở với con, bố đưa con đi chơi…. Vì con có niềm tin từ trước, con vui vẻ chấp nhận không có tiếng khóc. Có lẽ nhiều ba mẹ cũng đang sử dụng giải pháp lừa cho con ngủ rồi mới dám đi đâu đó. Cũng vì Sợ con khóc, bản chất là vì con đã không tin tưởng từ những lần trước nên con càng khóc.

Rất nhiều mẹ phản hồi về thông điệp này của Bố Ken:

"cảm ơn BK ạ. Đọc bài viết xong e mới giật mình vì bấy lâu nay e cũng ko để ý việc nói của mình đối với con. Mình cứ doạ để con làm theo, ko mè nheo nữa. Hôm lạnh e bảo con đi tất, cũng nói như chị Hiền là bạn tất sẽ buồn, con e còn bảo: “bạn tất có biết nói đâu? Sao mẹ biết”" - mẹ H

"Từ chia sẻ của BK em đọc ngẫm và quy chiếu lại xem bản thân đã có những lần nói dối con ntn! Em cũng đã từng doạ con, từng nói dối con. Em nhớ nhất là doạ con có con chuột xong con rất sợ chuột" - mẹ H
 

"bài viết là một cú “vả” thẳng vào mặt em vì có những lần nói dối con để con bóc mẽ “mẹ nói không đúng”. Càng học càng vỡ ra nhiều cái mà bản thân mình đang mắc phải quá BK ạ. Em không nghĩ 1 lời nói dối nó lại là một mối nguy hại không tưởng như thế ạ, nó không chỉ là một lời bông đùa mà nó ảnh hưởng đến con quá nhiều. Em đã sha.re lại bài viết để nhắc nhở bản thân KHÔNG ĐƯỢC NÓI DỐI CON DÙ CHỈ LÀ NHỮNG VIỆC NHỎ" - mẹ B

Bạn thân mến, giáo dục vỡ lòng có tầm quan trọng to lớn trong cuộc đời của con. Bố Ken viết bài này một là nhắc nhở bản thân trong hành trình nuôi dạy con, hai nữa cũng mong cộng đồng ba mẹ chúng ta hiểu mối nguy hại của việc nói dối và hãy vì một chặng đường dài, và cuối cùng: bất cứ ai đó gặp Ken hay em bé nào khác xin đừng nói dối chúng.

 

Cập nhật: 

Cả ngày hôm nay em cứ suy nghĩ mãi về bài học ko nói dối con của BK. Em có thêm 1 thắc mắc là nếu trong lúc mình chơi đùa, mình trêu con thì có tính là nói dối ko ạ? Vì dụ bạn nhà em thích trốn tìm, và em hay giả vờ gọi Miu ơi, Miu trốn đâu thế, mẹ ko tìm thấy Miu. Bà con làng xóm ơi, có ai biết Miu đang ở đâu ko. Hoặc em hay nhân cách hoá các bạn thú bông của con, hoặc con cá ở nhà thì có tính là nói dối ko ạ? Em rất mong được BK giải đáp giúp ạ. Em cám ơn BK ạ

 

Có lẽ nhiều bạn thắc mắc như H: 

 

Câu trả lời của Bố Ken là: Trêu đùa, đóng vai, tưởng tượng cùng con – không phải là nói dối, nếu chúng ta vẫn giữ được năng lượng yêu thương, kết nối, và không làm tổn hại niềm tin của con.

 

Cắt nghĩa sâu hơn, kết hợp theo sự phát triển của trẻ: 

“Nói dối” theo nghĩa gây tổn hại – là khi ta cố ý che giấu sự thật hoặc đánh tráo sự thật, nhằm kiểm soát hành vi hoặc cảm xúc của con, ví dụ:

“Con ăn không sẽ bị ma bắt”

“Mẹ ở đây với con” rồi bỏ đi mà không báo trước

“Con ngủ đi, mẹ đi mua bánh” nhưng thực ra đi làm việc khác

=> Những điều này khiến con mất phương hướng, mất lòng tin vào thế giới và cả chính mình.

 

“Đóng kịch yêu thương” – lại là một dạng chơi tưởng tượng, giúp con:

Phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo

Học cách tạo ra thế giới nội tâm phong phú

Gắn bó hơn với ba mẹ trong “trò chơi kết nối cảm xúc”

=> Ví dụ như mẹ gọi “Miu ơi, Miu trốn đâu rồi” – điều này không làm con mất phương hướng về sự thật, mà ngược lại giúp con cảm thấy mẹ đang cùng “chơi thật lòng”.

Một ví dụ này nữa: chiếc xe oto 

Nói đúng ra đó là chiếc xe oto mô hình, nhựa. . .  khi ta nói không đủ "chiếc xe oto đẹp quá con à", nếu phân tích về ngôn từ thì không đúng, nó phải là chiếc xe oto nhựa/mô hình đẹp quá con à", nhưng ta nói chân thành, trong ta không có ý nói dối chút nào, con vẫn hiểu và cảm nhận được đó là xe mô hình, xe nhựa chứ không phải xe thật. 

 

Chấp vào lời dễ hiểu lầm 

Nên càng cần cái CẢM NHẬN xuyên qua lời của chúng ta.

 

Nếu mẹ đang chơi, đang kết nối bằng trái tim thật, thì con sẽ cảm được.

Nhưng nếu mẹ “lợi dụng” trí tưởng tượng của con để né tránh sự thật hoặc kiểm soát, thì con cũng sẽ cảm được – và trái tim con sẽ từ từ khép lại.

Có thể mình đã có những sai sót, điều đó là bình thường, nhưng đừng lặp lại khi ta đã nhận ra, thay đổi ngay từ bây giờ.

 

Lưu ý: Có những cái khó, chính mình thực hành mới chiêm nghiệm và phân định được, và đó là câu trả lời tốt nhất cho chính bạn, những chia sẻ của BK chỉ là gợi ý, nó không quyết định mọi thứ ở tất cả mọi người, tránh áp dụng sai rồi đổ lỗi này kia, bạn cần hiểu đúng, đúng với bối cảnh của mình nữa. Trong một số tình huống, những người tỉnh thức/giác ngộ, hay những câu chuyện liên quan sau này, họ thấu triệt khi nói dối có tác dụng chuyển hóa người thì họ nói, ta tuyệt đối không nên bám chấp, hãy quán chiếu ở cái ta đã chứng nghiệm trước. 

 

BK giải thích thế H và các bạn nắm rõ rồi chứ nhỉ? thả tim hoặc để lại đôi dòng nếu bạn đã hiểu, để BK an tâm nhé các bạn, bạn nào chưa rõ cũng nhắn thắc mắc của mình nha.

 

Hãy thảo luận và chia sẻ vì điều đó, các bạn nhé.

Bố Ken ✍️

Sao chép thành công mã giảm giá