Trình tự ngủ 4S5S - Cách giúp trẻ tự ngủ nhẹ nhàng nhất

20240126_S8mfypiC.png

(Bài viết được trích ra từ bài dự thi của Bố Ken trong "Hội thảo khoa học toàn quốc, Giáo dục sớm phát triển năng lực trẻ em trong những năm đầu đời, lý luận và thực tiễn)

Trình tự giúp con vào giấc sau chỉ vài phút, thậm chí 1-2 phút.

Mình nhận được rất nhiều chia sẻ từ các mẹ về việc bé khó ngủ, khó vào giấc, thậm chí hai vợ chồng ông bà thay nhau bế ĐAU HẾT CẢ LƯNG. Những chia sẻ dưới đây chắc chắn sẽ giúp cho các mẹ rất nhiều.

Theo cô Tracy hướng dẫn, 4S bao gồm:

  • S1 (sleep routine): Tạo thủ tục đi ngủ, bao gồm một nhóm các hoạt động giống nhau lặp đi lặp lại trước khi đi ngủ, kéo dài từ 10-20 phút.
  • S2 (swaddling): Quấn bé. Đây là việc ra tín hiệu cho bé đi ngủ.
  • S3 (sitting): Ngồi yên tĩnh, bế bé trong phòng tối. Tạo chuyển giao giờ thức và giờ ngủ.
  • S4 (shushing/ sucking): Kỹ thuật shh/ pat, kèm hoặc không kèm ti giả.

Theo Bác sĩ nhi khoa havey karp hướng dẫn, 5s bao gồm:

  • S1 (swaddling): Quấn bé
  • S2 (side or stomach position): Đặt em bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp để được thư giãn hơn. Tham khảo Video của Bác sĩ tại: https://www.youtube.com/watch?v=mQxfopj2V5s
  • S3 (shushing): Tạo âm thanh shhhh – loại tiếng ồn trắng giúp bé cảm thấy an tâm. Có một sự thật không phải ai cũng biết đó là ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các bé đã quen với môi trường chứa nhiều âm thanh khác nhau. Do đó sau khi ra đời, việc tạo ra những âm thanh quen thuộc (giọng nói của bố mẹ, tiếng phát ra từ ti vi, một bài hát nào đó…) với âm lượng vừa phải sẽ giúp bé cảm thấy thân quen và an tâm đi vào giấc ngủ hơn.
  • S4 (swinging): Đung đưa theo nhịp điệu.Trong trường hợp bé không khóc và đang dần chìm vào giấc ngủ, bạn nên đung đưa, đi lại một cách nhẹ nhàng. Còn nếu bé vẫn khóc to và mất bình tĩnh, các mẹ nên chuyển động nhanh hơn nhưng chú ý cẩn thận, phải đặt an toàn của bé là trên hết.
  • S5 (sucking): Ngậm ti giả. Vì có nhiều bé trở nên bình tĩnh hơn khi được bú mẹ nên trong trường hợp bé đã no bụng thì bạn có thể cho con ngậm ti giả, từ đó giúp con được thoải mái và dễ ngủ hơn.

--------------------------------------------------------------------------

Một vài lưu ý khi khi áp dụng PP này như sau:

1. Xác định thời gian thức tối ưu – tín hiệu buồn ngủ của bé

  • Để giúp con có thể tự ngủ được, cha mẹ cần nhận ra khi nào con muốn đi ngủ để có thể đặt bé vào giường trong khoảng thời gian thích hợp – Khi bé vẫn còn thức nhưng đã đủ mệt để muốn đi ngủ. (Đọc thêm về các tín hiệu của trẻ ở sách NCKPLCC và Đọc vị mọi vấn đề của trẻ)
  • Hãy dành thời gian để quan sát và ghi chép các tín hiệu cơ thể khi bé buồn ngủ, thời gian thức tối đa sau khi thức bé có tín hiệu cáu gắt, từ đó hiểu dấu hiệu mệt mỏi của con. Sau đó dựa vào các tín hiệu trên, tham khảo “Bảng thời gian thức ngủ theo lứa tuổi” của trẻ, để lựa chọn thời gian cho bé đi ngủ hợp lý
  • Nếu bé đã có trình tự sinh hoạt cố định, việc đọc các tín hiệu của con rất dễ dàng. Nếu bé chưa có trình tự sinh hoạt cố định thì các tín hiệu buồn ngủ sẽ khó đọc đúng hơn vì cha mẹ có thể nhầm lẫn sang các dấu hiệu bé bị đói, mệt mỏi hay phấn khích quá mức. Trong trường hợp này, việc cần làm đầu tiên đó là thiết lập và đưa bé về một trình tự sinh hoạt phù hợp. Bởi vậy mình luôn luôn khuyên các mẹ nên hiểu và áp dụng EASY trước, hoặc song song.

 

2. Chuẩn bị môi trường ngủ

  • Con cần được chuyển từ môi trường động sang môi trường tĩnh ở cả giấc đêm và giấc ngày. Hãy vào phòng con -> kéo rèm, tắt điện (với những bé đã hết lẫn lộn ngày đêm thì nên để môi trường ngủ tối ở cả giấc ngày và đêm giúp bé dễ ngủ hơn) -> có thể bật tiếng ồn trắng hoặc nhạc nhẹ nhàng (nhạc hát ru, giao hưởng) với âm lượng vừa phải. Hãy đảm bảo càng gần đến thời gian ngủ thì môi trường càng thư giãn.
  • Lý tưởng nhất là bạn cho bé ngủ trong cũi, bên trong cũi không để bất cứ vật gì có thể khiến bé bị ngạt thở, kể cả chăn, gối, hay thú bông. Lý tưởng nhất là vậy, tuy thế còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình.... các mẹ cân nhắc để có một môi trường phù hợp, đặc biệt AN TOÀN.
  • Hãy để ý tới nhiệt độ phòng của bé. Quá nóng là một trong những nguyên nhân thất bại của các kế hoạch hướng dẫn bé tự ngủ hay việc các bé không chịu quấn. Quá nóng đặc biệt có thể ảnh hưởng tới an toàn ngủ của bé, nhiệt độ phòng phù hợp khi quấn bé là 20-24 độ, mặc đồ thoáng mát thôi (cần đo bằng nhiệt ẩm kế chuyên dụng chứ k phải nhiệt độ trên điều khiển điều hòa)

 

3. Quấn bé với quấn chuyên dụng – Swaddling

Bác sĩ nhi khoa Harvey Karp và cô Tracy Hogg đồng quan điểm ở nhiều bước trong trình tự trấn an bé, tạo nên sự giao thoa giữa phương pháp 4s và 5s. Quấn chặt phần tay giúp giảm thiểu việc cử động tay không chủ đích như: bé vung tay đập vào mặt làm phiền đến quá trình tự trấn an của bé, hay vung tay tự đánh thức khi bé đã ngủ say (Đọc thêm về cách quấn và các vấn đề hay hiểu lầm khi dùng quấn tại Chương 4, Quyển 1 bộ sách NCKPLCC hoặc trang 231 – Đọc vị mọi vấn đề của trẻ)

Nên sử dụng quấn chũn hoặc nhộng chũn cocoon

bởi đây là dòng rất chất lượng: mềm mại, co giãn, và mát mẻ, đặc biệt mùa hè. Nhằm đảm bảo tái tạo môi trường ngủ trong bụng mẹ một cách êm áp nhất.

Video sử dụng nhộng chũn:

Video sử dụng quấn chũn:

 

4. Wind down

  • Cách 1: Bế vác bé giống như tư thế ợ hơi và vỗ đều nhịp. Tư thế này giúp bé có thể giải phóng nốt những bong bóng hơi còn sót lại trong bụng, và hạn chế mọi kích thích thị giác.
  • Cách 2: Bế bé nằm nghiêng giống như khi cho bé bú, nhưng lúc này đầu bé sẽ quay ra ngoài và đặt trên khuỷu tay mẹ (chứ không quay vào ti mẹ), bụng và người bé nằm trên cánh tay. Bạn hãy nhẹ nhàng áp lưng bé vào ngực mẹ, một tay đỡ đầu bé sao cho ngón cái gần với miệng của bé
  • Cách 3: Bế bé giống như đang cầm một quả bóng bầu dục. Cách này được bác sĩ Karp khuyên các ông bố áp dụng: Đặt em bé đã được quấn chặt lên đùi bố, đầu bé quay về phía người bên trái bố, tay trái bố đỡ phía dưới cằm con. Nhẹ nhàng đẩy con sang tư thế nằm sấp, sao cho bụng con đặt lên cánh tay bố, đầu con nằm trong lòng bàn tay, chân con ở phần khuỷu tay bố
  • Với cả 3 tư thế này, mẹ có thể ngồi yên (Sitting) hoặc đung đưa nhẹ nhàng (Swinging), kèm theo tiếng shuu giúp con thư giãn hơn. Nếu con khóc to, mẹ hãy tạo tiếng shu to hơn, dứt khoát và mạnh mẽ, rồi giảm dần cường độ khi tiếng khóc của bé giảm dần
  • Thời gian mỗi lần wind down có thể là 5-10-15p, tùy từng bé và tùy giai đoạn, mục đích là để con thả lỏng, thư giãn, chứ không phải là làm để đủ mốc thời gian cố định nào đó. Khi con lớn hơn, quen với trình tự ngủ, biết tự ngủ tốt rồi thì thời gian bước wd sẽ giảm dần
  • Nếu sau khi thực hiện bước quấn, con đã lim dim muốn ngủ rồi, thì mẹ có thể bỏ qua bước wd, và đặt con vào cũi luôn

 

5. Đặt bé vào cũi

  • Khi đặt bé xuống, hãy thì thầm với bé những lời yêu thương, ví dụ như: “Bây giờ con yêu đi ngủ nhé. Con ngủ dậy mẹ sẽ ở bên con. Mẹ yêu con”
  • Đặt bé khi còn thức, đã mềm người. TẠI SAO:
  • Nếu bạn ôm bé và ngủ rồi mới đặt xuống, con ngủ trong vòng tay mẹ, con có niềm tin về điều đó, bỗng nhiên tay chân or điều gì đó làm con tỉnh giấc, con không thấy trong vòng tay ấy nữa, con hoang mang, hoảng sợ và mất niềm tin từ đó. Và sau đó có thể khiến cho con ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc...
  • Chỉ khi chúng ta dám đặt lúc bé còn thức thì con mới có khả năng tự ngủ tốt, con vẫn cảm nhận được lúc mình ngủ có những thứ gì quen thuộc ở xung quanh, nếu sau đó mặc dù chưa hết giờ ngủ mà con tỉnh giấc, khả năng ngủ lại của con là rất cao, bởi con thấy môi trường ngủ vẫn thế. Và điều này thật có lợi cho hành trình sau này.
  • Nếu bé có vẻ trấn tĩnh, hãy ra khỏi phỏng và để bé tự chìm vào giấc ngủ
  • Nếu bé khóc, bạn có thể sử dụng NÚT CHỜ hoặc vào hỗ trợ luôn. Đây là sự lựa chọn của bạn.

NÚT CHỜ NẾU BÉ KHÓC. CHỈ TÍNH KHI BÉ KHÓC TO CÁC MẸ NHÉ.

Các mẹ có thể tham khảo bảng nút chờ vào giấc theo độ tuổi trong sách màu xanh - Cuốn Nuôi con không phải là cuộc chiến 3. Hoặc tham khảo gợi ý này nhé:

  • 0-6w: 4S5S + Chờ một lần 1-3 phút
  • 6-12w: 4S5S + Chờ một hoặc nhiều lần, có thể mỗi lần 5 phút hoặc 3 - 5 - 7
  • 12-18w: 4S5S + Chờ nhiều lần, mỗi lần có thể 5-7 phút hoặc 5 - 7 - 10 - 10
  • Trên 18W: Tùy vào khả năng của mẹ.

Lưu ý: Việc áp dụng nút chờ thực sự cần mẹ quan sát và khả năng chịu đựng của mẹ, hay còn liên quan đến người chăm sóc nữa.

 

Cách hỗ trợ: Shu – vỗ - nằm nghiêng – ti giả

  • Đặt bé nằm nghiêng trong cũi, lấy một chiếc gối hoặc khăn bông cuộn tròn lại để cố định người con. Sau đó hãy đặt nhẹ một tay lên người bé, tay kia vỗ và giữa lưng bé theo nhịp điệu ổn định như tiếng tích tắc của đồng hồ. Vỗ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chỉ vỗ giữa lưng bé, tuyệt đối không vỗ phần thắt lưng vì vị trí quá thấp sẽ có nguy cơ đập vào thận của con. Hãy vỗ vừa đủ để tạo ra tiếng bồm bộp, đồng thời cúi xuống ghé sát miệng shuuu vào sau tai bé hoặc song song với tai bé với giọng vừa phải (đừng nhỏ quá sẽ không hiệu quả, không shu trực tiếp vào tai bé). Sau khi áp dụng các bước này mà bé vẫn khó chịu, hãy cho bé dùng ti giả bằng cách đưa ti giả lại gần miệng bé, dứ dứ quanh môi bé và để bé tự mút vào
  • Nếu bé vẫn khóc nhiều, bạn có thể bế bé lên thực hiện wd lại, lặp lại trình tự từ bước wd (đến khi bé thả lỏng lại đặt xuống và hỗ trợ tiếp tại giường)
  • Sau khi bé đã thư giãn, tiếp tục shu vỗ chậm dần tại cũi đến khi bé ngủ sâu (ngủ liên tục trên 20p). Nếu con đã ngủ rồi mà sau đó 1 lúc nữa lại giật mình tỉnh lại, thì có nghĩa là bạn cần kéo dài thời gian shu – vỗ qua giai đoạn ngủ nông, và chờ đến khi con ngủ sâu thì mới dừng lại. Khi bé đã ngủ say, hãy nhẹ nhàng rút khăn ra và đặt bé về tư thế nằm ngửa – tư thế ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh

Dù sao mình vẫn luôn khuyên, CẦN MỘT SỰ NHẤT QUÁN giữa mẹ và người chăm sóc. Bởi các con thực sự không khó nếu chúng ta hiểu, đáp ứng đúng và mọi trình tự nhất quán. Kẻo mẹ một kiểu, bố một kiểu, con sẽ mất niềm tin. Lúc đó chữa sẽ rất khó. Và lúc đó cũng không thể trách là do PP được

Toàn bộ trên đấy Bố Ken tham khảo từ NCKPLCC, Đọc vị mọi vấn đề của trẻ, trải nghiệm bản thân và trong quá trình tư vấn. Thân gửi tất cả các mẹ. Nếu thực hiện được tốt, sau một vài ngày hoặc một tuần việc con đi ngủ chỉ trong vòng vài phút là điều rất bình thường. Lúc đó Bà nội, bà ngoại thốt lên: "Mắt tháo láo thế kia mà bắt nó ngủ" thì kết quả sẽ minh chứng ạh.

Bố Ken nhận được rất nhiều Video các em bé tự ngủ trong vòng vài phút, bài này xin mượn bạn Myla 12W để chia sẻ các mẹ áp dụng.

NHỚ CÁC MẸ NHÉ: ĐẶT BÉ LÚC THỨC.

Chúc các mẹ thành công, chúc các con có những giấc ngủ thật chất lượng.

Bố Ken✍

Sao chép thành công mã giảm giá