Bạn thân mến,
Đây là bài Coaching số 14 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 01” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã trao đổi nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực thuận lợi cho việc học. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.
Nhận được câu hỏi của NMH, Bố Ken nhắn và hẹn tối nay Coach trong nhóm. Đúng 8h, Bố Ken mở bài nhạc nhẹ và nhắn H:
BK: H nhắn tình huống để BK và các bạn cùng xem em nhé
NMH: BK ơi, qua 1 thời gian ngắn tham gia vào group cùng con thì em nhận ra là con e đã quá khát việc được lắng nghe, được chơi cùng con. Thời gian này em đã nhắc nhở mình việc giao tiếp chậm với con, lắng nghe, quan tâm, và dành thời gian chơi cùng con thì em đã thấy có những cải thiện rõ rệt hơn ạ.
Ví dụ trước đây em rất dễ cáu và quát con, nói 1-2 câu con không nghe thì em sẽ hét lên. Nhưng bây giờ có những tối 2 mẹ con chơi và học bài rất vui vẻ rồi ôm nhau đi ngủ. Hoặc là như trước kia mỗi lần đưa con đi khu vui chơi em cũng như các bố mẹ chỉ ngồi xem điện thoại để con tự chơi, nhưng chủ nhật rồi em đã để lại điện thoại trên xe và thật sự chơi cùng con tất cả các trò, trông con rạng rỡ và con bảo hôm đó là ngày đi chơi vui nhất đời con ạ.
Tuy nhiên thì bé nhà e đã tròn 6 tuổi rồi nên có những vấn đề phức tạp hơn mà em vẫn loay hoay chưa biết cách giải quyết ạ. Em xin phép đưa ra 3 việc hi vọng BK giúp em bóc tách ạ. Bé đầu nhà em là bạn gái. Con tên là C con 6 tuổi, theo cảm nhận hiện tại em thấy bạn ấy cá tính, có quan điểm riêng, nhưng chưa biết nghĩ cho người khác và cảm xúc của bạn dễ bị quá lên như dễ tức giận quá, dễ khóc um lên. Ở nhà thì hầu như này nào con cũng bị ông-bà-bố nói/quát/mắng về việc lười ăn, mẹ thì hay quát vì lề mề chậm đi tắm/đi học.
TH1: Trong nhà em có 3 thế hệ chung sống là bố mẹ chồng và gia đình e ạ. Ông bà nội thì rất thương cháu nhưng vì ông bà theo kiểu truyền thống và nghiêm khắc nên có suy nghĩ là ông bà sai lấy cái gì, hay làm việc gì là phải làm và làm ngay. Hoặc là ông bà gọi với từ tầng 1 lên tầng 2 kêu con đi tắm hoặc xuống ăn cơm, nếu con không làm ngay lập tức thì thường sẽ bị nhắc nhở hoặc bị mắng ạ. Và trong mắt ông bà cơ bản con là một em bé hư ạ. Thì em mong có thể gỡ rối được mối quan hệ giữa con và ông bà.
TH2: Con và bạn hàng xóm đang chơi cùng nhau thì ông bế em trai 7 tháng tuổi lên chơi cùng chị ạ. Em với vào đồ chơi của chị làm đổ đồ chơi và chị tức giận bảo em tránh ra, và bạn ấy nói “Ước gì không có em trên đời này”. Cũng có lần xích mích với bà nội bạn ấy cũng nói “Ước gì không có bà trên đời”.
TH3: Theo cô giáo nhận xét thì ở trường khi tương tác cùng các bạn thì bạn ấy luôn muốn mình là leader và bảo các bạn chơi theo ý mình. C cũng hay giành đồ chơi của bạn. Tuy nhiên C không nhận thức được điều đó và về nhà con khóc lóc bảo trên lớp các bạn chỉ chê cười và không ai chơi với con, con không muốn đi học nữa. Rồi có lúc khi bố say rượu về trêu và nghịch bạn ấy quá thì C khóc bảo con đi học đã khổ rồi ở nhà con cũng khổ, sao mẹ sinh ra con mà mẹ để con khổ như thế.
BK: BK sẽ bóc tách trường hợp của em, có thể liên quan cả người nhà nên cái gì tiện thì H cứ chia sẻ, nếu cảm thấy ngại nhắn riêng em nhé. Như các buổi Coach khác, chúng ta xác nhận không đưa nội dung ra khi chưa được sự đồng ý nhé. Các bạn đang online cùng lắng, thật lắng, bởi BK có thể cảm nhận và Coach cho nhiều người, trong đó có bạn. H gửi 1-2 ảnh của vợ chồng em, 2-3 ảnh của bé qua tin nhắn BK xem một chút nhé.
NMH: Vâng ạ
BK: “Ở nhà thì hầu như này nào con cũng bị ông-bà-bố nói/quát/mắng về việc lười ăn, mẹ thì hay quát vì lề mề chậm đi tắm/đi học.”
Em thấy việc này không có tác dụng, thậm chí đang hình thành nên một phiên bản dễ CÁU, thậm chí mức độ rất cao, đúng không H?
NMH: Dạ vâng ạ, con mang tâm thế ngày nào cũng bị quát mắng nên nhiều khi con không thích về nhà. Ở nhà thì con gần gũi mẹ nhất nên có lần ông nội đón con đi học về và thông báo mẹ và em đã ra ông bà ngoại vài ngày thì con khóc toáng lên và bảo thế thì con không về ông bà mắng con chết.
BK: Ok thế vẫn còn cơ hội. Tạm gác ông bà, chồng em, vì mọi người vẫn đang cho suy nghĩ/cách làm đó là đúng, mọi người vẫn cứ bước đi mà quên quan sát... Còn em đã vào đây rồi, những gì em có thể thay đổi, nếu sau khi BK chỉ rõ, em hiểu, em sẵn sàng thay đổi chứ, yên tâm BK vẫn sẽ đồng hành?
NMH: Dạ em sẵn sàng thay đổi ạ, em đã có những bài thực hành tuy chưa thật sự chạm được nhưng em thấy gần gũi con hơn và con đã vui vẻ chia sẻ với mẹ nhiều hơn ạ
Từ khi theo dõi BK em mới lắng lại để suy nghĩ. Một thời gian dài áp lực công việc về nhà em chỉ muốn nghỉ ngơi, nên em cảm thấy con khiến mình phiền và mệt mỏi, thấy mình phải phục vụ con nên rất dễ khó chịu. Cả nhà không có ai lắng nghe hay thật sự chơi cùng con mà chỉ đòi hỏi con phải làm được thế này, phải nói năng lễ phép thế kia. Dù hơi muộn nhưng gặp được BK và cộng đồng mình em như vớ được “cọc” và em sẽ cố gắng nắm lấy thật chắc để trả lại cho con tuổi thơ hạnh phúc.
BK: Ai đặt cho con tên Cá e nhỉ? Cá, mang ý nghĩa gì trong suy nghĩ của người đặt em biết không?
TH2: Con và bạn hàng xóm đang chơi cùng nhau thì ông bế em trai 7 tháng tuổi lên chơi cùng chị ạ. Em với vào đồ chơi của chị làm đổ đồ chơi và chị tức giận bảo em tránh ra, và bạn ấy nói “ước gì không có em trên đời này”
=> Ngoài tình huống ấy ra, em thấy C có thích chơi, thích gần gũi với em trai của mình không?
NMH: Cá là tên em đặt cho con ạ. Em thấy những con Cá sắc màu thì rất đáng yêu, và trông nó tung tăng bơi lội, thì em muốn bạn Cá nhà em cũng sẽ là em bé vui vẻ đáng yêu và được “tung tăng” trong thế giới tuổi thơ của bạn ấy với tâm thế vô lo vô nghĩ. Dạ bình thường thì con rất thích chơi và đùa nghịch cùng em ạ. Nhưng có lẽ đó là lần đầu Cá cảm thấy em không cho con chơi, em phá đồ chơi của con nên con đã thốt lên như vậy ạ. Và khi người lớn nhắc nhở thì con không muốn nhận lỗi sai.
BK: Cái tên với hàm ý rất đẹp, nhưng Cá của chúng ta đang phải lo nghĩ nhiều quá, đang phải lo nghĩ hôm nay về có bị quát mắng không.... :(
BK biết nhiều chị em sẽ khó chịu với nhau, nhưng nhìn ảnh BK biết rõ Cá rất thích chơi và đùa cùng em trai mình, mặc dù tình huống em đưa ra lại là Cá không thích. Em hiểu tại sao không?
NMH: Vâng đúng vậy ạ, em cũng cảm thấy con rất áp lực. Khi ở nhà con liên tục bị nhắc nhở, giục con đi cất đồ, đi tắm.
Có khi con đang ngồi vẽ chưa xong thì người lớn bắt con phải xuống ăn cơm ngay, nếu không làm ngay thì sẽ bị quát ạ. E thấy con bị gò bó rất nhiều thứ và khát được lắng nghe, được bố mẹ chơi cùng con.
Dạ em cũng chưa hiểu được vì sao con nói như vậy ạ. Nên em cũng chưa có cách tương tác với con mà em cảm thấy thật sự phù hợp và hiệu quả
BK: Em biết tại sao BK biết rõ C rất thích chơi và đùa cùng em trai mình không?
NMH: Có phải vì người lớn trong nhà em chưa thật sự chơi cùng con không ạ? Em cũng chưa từng nghĩ đến lý do vì sao C thích chơi với em, mà cứ coi nó là hiển nhiên như vậy ạ.
BK: H quan sát kĩ điều này trong mình, chưa cần nói tới ông bà hay chồng, rằng: nhu cầu được quan tâm của em thế nào? Khi em tức giận thì thường diễn ra thế nào?
NMH: Sau khi ngẫm lại mình, em thấy trước giờ thì chồng và con gái là người quan tâm và bao dung em nhiều hơn. Em thấy em có yêu chồng và con, em cũng không có thú vui gì khác chỉ đi làm rồi về nhà. Nhưng chắc chưa “đủ” và so với cái tôi thì em quan tâm cảm xúc của em hơn, nên em hay cáu lên chồng con anh ạ.
Khi em giận thì em không quan tâm cảm xúc của con nữa. Có lúc e như dằn vặt con ấy ạ, em chì chiết và không cho con cơ hội giải thích hay được ôm mẹ. Sau đó em đi vào một góc tối và ngồi, những lúc đó con vẫn chạy vào với em và hỏi han rồi ngồi cùng với mẹ dù con cũng đang khóc. Bản thân tinh thần của em cũng không được ổn, em rất dễ stress và tiêu cực quá.
BK: Em biết thêm một cái mới rồi đó, thường thì đứa trẻ nó sẽ khó chịu với em mình vì được mẹ chăm sóc em. Nên nó sẽ quan tâm em khi mẹ chỉ dạy đúng về sự sẻ chia... hoặc nó sẽ quan tâm và chơi với em vì chẳng có ai chơi với mình, chẳng có ai nghe mình, chẳng có ai làm mình thấy an toàn như đứa trẻ nhỏ....Tuy nhiên em lưu ý, ấy là khi em trai còn nhỏ, còn an toàn, nhưng khi em lớn hơn, C sẽ học theo cách của ông bà, bố mẹ, tức là áp đặt, khi em trai bộc lộ suy nghĩ, hành động mà trái ý, ngay tức khắc con sẽ DÙNG THÁI ĐỘ với em mình một cách kinh khủng, thậm chí là CHÌ CHIẾT. Em thấy có những thái độ này đang dành cho C không?
Ok em à. BK vừa nhắn hỏi thì cũng là lúc em đã trả lời "chì chiết".…
NMH: em hiểu ra rồi ạ. Sẽ thật nguy hiểm nếu em và chồng không thay đổi. Thì cả 2 đứa trẻ nhà em sẽ tổn thương thật nhiều.
BK: Ok em à, Mỗi câu hỏi để chúng ta tự nhìn nhận lại, em đã rất trung thực đối diện với những thứ xấu xí mình đã đổ ra, đã dội vào con mình, lên chồng mình. Chỉ khi nhìn thấy sự xấu xí nhất như thế thì chúng ta mới TỈNH được. Em đáng được yêu thương, chồng em cũng thế, con em cũng thế, ĐỪNG NÉM NHỮNG THỨ RÁC RƯỞI LÊN CHÍNH MÌNH, LÊN HỌ NỮA. Được chứ em nhỉ? BK sẽ hướng dẫn cách làm.
NMH: vâng BK em đang cố gắng hơn mỗi ngày ạ
BK: Em thấy mình có nhiều áp lực với bố mẹ chồng không?
Tuổi thơ của em trôi qua thế nào H? Em có thể chia sẻ BK một chút xem.
NMH: Dạ em có, bố mẹ em suy nghĩ kiểu truyền thống và khắt khe ạ nên bản thân em về nhà cũng không được thoải mái.
Tuổi thơ em có mẹ rất hiền và em luôn chia sẻ với mẹ. Còn bố em là người nóng nảy, khi tức giận bố sẽ quát mắng những điều thái quá và làm tổn thương mẹ cũng như các anh em trong gia đình em. Nên lúc còn nhỏ em ghét bố. Đến khi làm mẹ có vẻ em lại giống như hình ảnh bố em…
BK: Em biết em đã ăn những gì để lớn lên không H?
Bố có đánh em, đánh mẹ không H? Và giờ cuộc sống của bố mẹ đang thế nào em?
NMH: Bố không đánh em hay mẹ ạ, nhưng những lời nói của bố ăn sâu vào ký ức khiến em không thích bố.
Bây giờ cuộc sống của bố mẹ em đã tốt hơn vì bố mẹ cũng lớn tuổi rồi. Nhưng trước đây em đã có lúc suy nghĩ là sẽ không lấy chồng giống như mẹ
BK: ok em còn giận bố mình nhiều không H, cứ chia sẻ thật em nhé
NMH: Đến giờ có vẻ là em đã tha thứ được cho bố. Nhưng em sẽ không thể nhìn nhận bố là người bố tốt, không thể quên lỗi lầm của bố. Và sẽ luôn có một khoảng cách nào đó. Chứ không thể gần gũi như mối quan hệ giữa em và mẹ.
Và em cũng rất sợ con em sẽ cảm nhận như thế về mình ạ.
BK: ok em à. BK hiểu được việc này, BK sẽ nói về việc này sau. Em trả lời BK câu hỏi trên xem nhé. Em biết em đã ăn những gì để lớn lên không H?
NMH: Tuổi thơ của em cũng thiếu thốn sự quan tâm và được chơi cùng bố mẹ ạ, em đã nghe nhiều cuộc cãi vã, bố mắng mẹ, mắng em hay các anh một cách rất vô lý. Có phải vì em nhận được ít tình yêu nên khi trưởng thành em cũng vô tâm và thờ ơ với chồng con không ạ?
BK: Tuổi thơ thiếu thốn sự quan tâm, thiếu được lắng nghe, thế thì sau này lớn lên dễ hình thành việc muốn được người khác quan tâm, muốn được người khác nghe mình, thậm chí mình sai cũng muốn người khác nghe, em hiểu không, tức là lúc đó TÍNH MUỐN ĐƯỢC NGHE NÓ XÂM CHIẾM, nó làm chủ mình, ta đánh mất chính mình, và người gánh chịu lúc đó có thể là chồng mình, có thể là con mình. . . Em hiểu ý BK chứ?
NMH: vâng đúng là một thời gian dài em chỉ lắng nghe sự mệt mỏi của mình, ghi nhận công sức của mình. Em không quan tâm công việc bận rộn của chồng, không chăm sóc từng bữa ăn cho chồng con, em cũng đã không dành thời gian chơi và lắng nghe con.
BK: Bố mẹ và người thân đã chăm sóc ta bởi những bữa cơm ngon, nên thân ta lớn lên dần.
Mẹ là người đã chăm sóc, đã thị hiện, đã đổ ra tình yêu, không chỉ lời nói, mà nguồn năng lượng đi kèm, em được ăn tình yêu đó, em được nuôi dưỡng tình yêu đó, nên trong em vẫn có cái gì đó tình cảm với người
Bố em đã vô thức chăm sóc em, đã thị hiện, đã đổ ra sự cục cằn, quát mắng,... những tiêu cực em kể ra và thậm chí em chưa biết hết, không chỉ biểu hiện qua hình tướng mà kèm theo cả năng lượng, em lúc ấy chỉ là một cô bé, em không đủ sức để tạo một lớp bảo vệ quanh tâm hồn mình, em đã vô tình uống nguồn năng lượng đó, em không có sự chọn lọc, nó ngấm vào bản thể em, nó nuôi dưỡng em, và nó lớn lên cùng em...
Để rồi khi nó lớn, nó đủ chín, nó làm chủ em, nó đi áp đặt người, nó quát tháo người, nó chì chiết người... em hiểu ý BK chứ H?
Và sau khi hiểu, em cần quan sát kĩ hơn ĐỂ MANG NHỮNG GÌ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG em C mỗi ngày...
Hãy cho con ăn tình yêu của em
Hãy cho con ăn nụ cười của em
Hãy cho con ăn sự ấm áp của em
Hãy cho con ăn góc nhìn rộng mở của em. . .
Không chỉ riêng H, mà BK, hay các bạn, các bạn cứ quan sát mình, bố mẹ mình, ông bà mình mà xem, bạn nhất định giống ai đó trong nhà... có thể giống sự tốt đẹp, có thể giống sự xấu xí... nếu xấu xí, ngày hôm nay bạn không phát hiện ra, bạn sẽ tạo ra một vòng lặp, đó là con bạn, con sẽ giống bạn y xì, thậm chí xấu xí hơn, cáu bẩn hơn chúng ta... vì mỗi ngày chúng ta cho con ăn cái thức ăn mà không để ý tới…
Rồi nữa, khi con lập gia đình, Bạn hiểu ý BK chứ nhỉ? con sẽ lại cứ nghĩ thế là đúng, lại cho ăn thức ăn áp đặt, thức ăn quát tháo, trao con những góc nhìn nhỏ hẹp... lên cháu của mình. Bạn, bạn suy nghĩ thật kỹ và chia sẻ BK xem, một cách thật lòng nhé.
NMH: Em thật sự thấy thấm thía và giờ em không cần phải thắc mắc vì sao con nói hay có hành động như vậy nữa. Thật sự thấy quá thương con BK ạ. Em sẽ khắc ghi nguồn thức ăn mà con em cần và em sẽ cố gắng trao cho con mọi lúc mà mẹ con ở gần nhau
BK: @NMH @TL 10h15 BK coach tiếp em nhé.
@All: Các bạn khác cứ cảm nhận kỹ và chia sẻ nếu rơi vào tình huống tương tự như mình, để BK xem và hỗ trợ thế nào nhé.
H cần một phòng riêng tư, đủ yên tĩnh em ha.
@All: Các bạn đang online nếu theo dõi nội dung BK coach hãy cũng làm tương tự, cần một bầu không khí đủ tĩnh, nghe một bản nhạc nhẹ và quan sát chính mình
BK: Nếu như em không được Coach, em không theo nhóm, hay em không lắng nghe học tập, em cứ theo cách cũ, chồng em cứ theo cách cũ, em có nghĩ là con sau này sẽ trách em, chồng em, ông bà, thậm chí hận không?
Và đến lúc em cảm nhận được sự hận thù đó trong con, em có muốn con mình tha thứ không?
NMH: em nghĩ là có ạ. Trước khi vào nhóm mỗi khi chì chiết hay mắng con nặng lời e đều thấy có lỗi với con và sợ con cũng sẽ nghĩ về mẹ như bố trong mắt em ngày xưa. Nhưng nỗi sợ đó nó mơ hồ mà em không có một biện pháp cụ thể để dừng nó lại, không vạch rõ được ranh giới nên làm và không được làm.
Sau buổi coach hôm nay thì mọi thứ trong em đã rõ ràng và thấm thía
BK: ok em à, như BK nói, cái tính nó ăn nhiều đến mức sâu dày, quá lớn, có những cái duyên đến thì nó bung ra, nó làm chủ, lúc đó em đánh mất chính mình, nên mọi thứ là do nó quyết, nó bảo em chì chiết thì em chì chiết, nó bảo em quát thì là em quát...trong quá trình quát đâu đấy tình yêu thương của con vẫn dẫy lên nhưng nó không đủ mạnh, lực yếu so với tập tính kia nên vẫn bị nó hạ…
NMH: Thật sự em cũng chưa có nỗi sợ này, em chưa nghĩ đến vì con em vẫn rất yêu mẹ ạ. Nhưng thật đáng sợ nếu ta nuôi dưỡng con cái thành đứa trẻ oán hận cha mẹ. Người tổn thương nhất, người trưởng thành theo cách méo mó như vậy lại là những đứa con ta sinh ra và từng nâng niu chăm bẵm.
BK: Ừ em, em hành theo cách cũ, chồng em hành theo cách cũ, ông bà hành theo cách cũ... có thể dần tập tính nó lớn hơn nữa, mình quát tháo, đánh đập nhiều, con sẽ tức giận, căm phẫn,.... mỗi ngày con CHỊU ĐỰNG thế thì sự tức giận và hận thù trong con càng lớn, nó như cái túi đấy e, mỗi ngày đều thổi hơi vào…
NMH: E thật sự thấy may mắn vì mối duyên lành với BK và cộng đồng mình. Con em đã 6 tuổi rồi, có lẽ một vài ký ức xấu đã ăn sâu vào con nhưng e và con sẽ đồng hành cùng nhau để chữa lành cho con, cho chính em. E tin là 2 mẹ con sẽ làm được.
BK: H hay các bạn, nếu ông bà, chồng của chúng ta đã không ở với ta, BK đang nói Trường hợp HIỆN KHÔNG Ở CÙNG mặc dù đã làm đau chúng ta, nhưng chúng ta hãy tự hỏi:
1/ Tuổi thơ họ có thực sự hạnh phúc, họ đã từng bị chì chiết bởi các cụ, họ đã từng bị áp đặt bởi các thế hệ trước đó nữa, liệu họ có khổ không, nỗi khổ vừa đói lại vừa tinh thần? Ta thấy họ đáng thương không?
2/ Họ có được ai Coach, họ có được học về nuôi dạy con không? thậm chí họ có được ai đó bóc tách để đi đến trạng thái tự thấy rằng mình thật ngu ngốc, mình thật xấu xí để sửa không?
Dù sao họ cũng không thể làm đau mình thêm được nữa, vậy thì không đi chấp họ nữa được không, sau những câu hỏi trên bạn thấy thương họ thì tốt, bạn bao dung cho họ thì tốt, còn không, chí ít là không thèm chấp họ nữa được không? đi đến cảm nhận đó, chí ít bạn không bị lòng hận thù giày vò, chí ít bạn được chữa lành bởi lòng bao dung... Thế nào H và các bạn.
NMH: Bao dung người thân của ta cũng là chữa lành cho chính tâm hồn ta. Gạt bỏ đi những điều xấu xí, tâm ta mới có thể đón nhận những điều tốt đẹp, ta mới biết ơn và trân quý những thứ xung quanh ta.
BK: Ok H à. Hãy đi đến cảm nhận rằng: Họ đã làm tốt nhất với chính năng lực của họ rồi....
Ta giờ đây không thay đổi được họ, ta hãy thay đổi chính mình, quyết tâm học hành nghề làm cha mẹ thật chú tâm, để KẾT THÚC VÒNG LẶP xấu xí này.
Ok các bạn, các bạn đọc kỹ từng chữ chỗ này nhé: BK đang cùng các bạn, chúng ta nuôi dưỡng một cái tâm rộng lớn, hiểu hơn về chính mình, thấu hiểu và cảm thông hơn cho người, nhiều phẩm chất hơn như vị tha, lòng bao dung... CỰC KÌ QUAN TRỌNG, có ai làm rõ, nhắc nhở, thúc đẩy bạn những điều này chưa?
Tạm thời thế, ngày mai BK sẽ nói tiếp về ông, bà, hay chồng - những người hiện vẫn ở cạnh chúng ta, tiếp theo là một số hướng dẫn để H thực hành tốt hơn nữa.
Ngày hôm nay, bài Coach chạm đến bạn không? Bạn cảm thấy thế nào? BK muốn lắng nghe những cảm nhận đang diễn ra bên trong các bạn.
NH: Chia sẻ với mẹ H và các bố mẹ trong nhóm, khi còn nhỏ mình từng bị đánh mắng nhiều hơn tất cả bạn bè xung quanh mình. Mình bị áp đặt, bị bức bách đến độ mình còn thầm chửi mẹ mình, có một thời gian tuổi 14-16, mình hận mẹ mình khủng khiếp, giờ nghĩ lại mình vẫn thấy thời gian đó thật đáng sợ. Dù vậy mình chưa từng hết yêu mẹ, nhưng giá như không có những cảm xúc tiêu cực kia thì tốt biết bao!
BK: H xem những câu hỏi của BK, cảm nhận về nó, có thể chưa diễn đạt được bằng nói thì mình có thể viết, viết chưa thể gửi thì viết cho chính mình...
Hãy viết những lời xin lỗi vì còn chỉ trích, phán xét họ trong khi họ đã rất khổ rồi
Hãy viết những lời cảm ơn vì họ đã chăm sóc nuôi dưỡng ta mặc dù cách thức nhiều khi chưa được đúng.
Trong khi bạn làm điều này, thế giới nội tâm của bạn sẽ thay đổi
Hãy hiểu rằng bạn còn mang trong mình năng lượng của hận thù, thế thì trong quá trình dẫn dắt con, con dễ bị nhiễm, hãy bắt đầu GỘT RỬA các bạn... @All
LV: Con cái là tấm gương phản chiếu của mình, theo chị là vậy.
Bây giờ sau khi học nhiều điều và đọc được ít sách thì chị thấy mình như là bình và con là ly, ta có gì thì rót cho con cái đó. Mình phải có yêu thương, lòng biết ơn thì mới đổ ra những thứ đó cho con được. Năng lượng cũng vậy mình cho con năng lượng gì thì con sẽ nhận năng lượng ấy Bố Ken ạ!
L: Câu chuyện của MH cũng gần giống với câu chuyện của em. Tuổi thơ của em cũng lớn lên trong môi trường mà bố em thường xuyên cãi vã, thậm chí bố em còn đánh mẹ em. Mẹ em luôn là người nhường nhịn. Tuy bố không đánh em nhưng em đã nhiều lần nghĩ rằng. Em sẽ không bao giờ sống nhẫn nhịn như mẹ, mẹ em quá khổ rồi.
Đó là lý do em không bao giờ chịu thiệt, nhận sai mỗi lần to tiếng với chồng. Em giống bố em lúc nào mà bản thân em cũng không nhận ra. Em không đánh S, Nhưng em trút hết những sự xấu xí lên chồng em. Giống y hệt cách mà bố em đối xử với mẹ.
Thật sự những gì hôm nay bố Ken chia sẻ. Một lần nữa, khiến em cảm thấy thấm thía hơn. Em hiểu chồng em cũng đã chịu đựng, thiệt thòi thế nào? Em sẽ cố gắng sửa sai, hi vọng rằng anh sẽ tha thứ cho em trước khi quá muộn.
PT: Thực sự em cảm thấy mình trong câu chuyện của mẹ H. Con gái lớn của em cũng bằng tuổi con gái mẹ H. Con có em rất sớm, ngày bé con rất yêu em, đi học về việc đầu tiên con làm là chạy vào tìm em. Nhưng dần lớn lên, con trở thành bản sao của mẹ. Và đúng như lời BK nói, con cáu gắt với em, hay quát em. Và còn nhiều điều khác nữa để em tìm đến BK! Em mới tham gia nhóm vài ngày, chưa đọc hết được tất cả các bài Coach nhưng qua những tâm sự của các chị và bóc tách của BK em cũng học hỏi được nhiều điều
TV: Từ lúc đọc tâm sự của NMH e thấy giống mình thế. Từ hoàn cảnh tới tình huống và tuổi thơ. Bản thân em, Con của e cũng giống của H và nhờ BK khai sáng, con của e đã có những thay đổi tốt dần lên. Sau 1 thời gian e nghiệm ra rằng con cái của chúng ta chúng rất dễ thương, dễ bỏ qua, dễ yêu thương và cũng dễ bị tổn thương.Cách Bố mẹ cho con ăn tình yêu thương như nào thì con sẽ cho lại ta cách yêu thương như vậy. Con cái dễ thay đổi bản tính hơn bố mẹ. Như BK nói “Bố mẹ thay đổi tự khắc con cái sẽ thay đổi”.hay “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Càng nghĩ càng thấy thấm thía và sâu sắc.
NH: Tình huống của mẹ MH và phân tích của Bố Ken làm mình đọc đi đọc lại nhiều lần. Những gì Bố Ken nói cũng là điều chồng mình nhắc mình hàng tuần khi anh về nhà: con cái là bản sao của bố mẹ, nên vợ phải luôn bình tĩnh làm gương cho các con. Qua câu chuyện của các mẹ, mình cũng nhận ra bản thân đang mắc lỗi gì, cần sửa gì.
CH: Em cũng từng giống trường hợp của chị MH. Cũng mang trong mình tổn thương từ khi còn nhỏ. Bố em là một người đàn ông “GIA TRƯỞNG” đúng nghĩa. Bố đánh và áp đặt, đến mức bố chửi, khi con cái nói lại thì bố lại bảo là cãi. Suốt 30 năm trời, em không bao giờ ngồi lại nói chuyện với bố bao giờ, vì không có tiếng nói chung. Em thương bố, nhưng tổn thương thì không bao giờ em quên được.
Cám ơn BK, cám ơn những chia sẻ của mọi người đã làm em thức tỉnh.
TNB: Câu hỏi của anh làm em rơi nước mắt ạ. Thực sự em bé trong em vẫn còn trách bố mẹ nhiều lắm, tại sao lại không bên em trong suốt cả tuổi thơ? Tại sao khi em muốn gần bố mẹ thì bố mẹ lại đẩy em ra? Tại sao khi em được ở gần bố mẹ thì bố mẹ lại chia tay? Tại sao bố lại mất sớm... Tại sao khi em ở với ông thì ông lại muốn em là người chăm sóc, lắng nghe ông. Tại sao không có ai là chỗ dựa cho em cả…
Làm sao để em bao dung được đây, trong khi tâm hồn em đầy vết xước, khi em còn chưa thể yêu thương bản thân mình…
Em bé trong em nghĩ rằng vì em ấy không tốt, không đủ giỏi, vì em xấu xí nên em không được yêu thương. Hình ảnh em ấy trong em là một em bé khoảng 8 tuổi, người đen đúa, mặc bộ quần áo cộc tay màu cam chất liệu kém. Em có đôi mắt vừa buồn vừa tội, đôi mắt của kẻ biết lỗi dù không biết mình mắc lỗi gì. Em bé nhìn em như muốn hỏi tại sao không ai cần em?
Em sẽ ôm em bé vào lòng, và trả lời em rằng: không phải lỗi của em đâu, là do ông và bố mẹ đều có tuổi thơ nhiều nỗi buồn. Bên trong họ cũng là những em bé bị tổn thương như em, họ bơ vơ và không có nơi nương tựa về mặt tinh thần. Khi ấy, em bỗng nhìn thấy những em bé trong ông, trong mẹ, trong bố. Và em thấy nhẹ lòng hơn rồi anh ạ.
BB: Bài coach hôm nay đã chạm đến tuổi thơ của em, điều mà chưa bao giờ em nói em kể. Nhưng em không trách gì bà mà thậm chí em thương bà nhất trên đời. Chỉ cần nghĩ đến 1 ngày không còn bà nữa là em có thể khóc và tưởng tượng ra mình mất mát như nào.
Nhìn nhận lại tuổi thơ để vỗ về bản thân, thấu hiểu bản thân và từ đó sẽ không tạo ra VÒNG LẶP với các con. Sẽ cố gắng sửa đổi mỗi ngày, học làm mẹ đúng nghĩa ạ. Cảm xúc lúc này thật khó tả quá ạ
HT: Bố Ken ơi đọc những dòng này... hôm nay là lần đầu tiên em thật sự khóc vì nhớ thương bà nội của mình, dù bà của em đã mất cách đây 15 năm rồi
Thật sự, chưa bao giờ có ai chỉ ra cho em những điều như BK vừa nói.
Hôm nay em thật sự nhìn thấy những nỗi đau của bà, hiểu tại sao bà sống như vậy. Em cảm thấy đã tự giải thoát được mình khỏi những suy nghĩ không hay về bà. Chỉ còn giữ lại trong em lòng biết ơn với bà - người đã trao cho em 1 cái tên thật đẹp, người đã nuôi dưỡng em khi còn nhỏ, luôn xuất hiện khi em cần như một bà tiên.
Mẹ em thường nói tính cách em giống bà, và em rất ghét nghe điều ấy. Từ hôm nay em có thể tự hào vì em giống bà, và sẽ cố gắng để làm 1 phiên bản hoàn thiện hơn...
Bạn thân mến,
Bố Ken hiểu bạn rất yêu con, bạn rất thương con, minh chứng là bạn đã có mặt ở đây và đọc đến dòng cuối cùng này. Thế nên Bố Ken và team đã hỗ trợ tỉ mỉ copy toàn bộ nội dung buổi Coaching để bạn thuận lợi trong việc học và thực hành, mong bạn có thật nhiều kiến thức, năng lực để không bị nỗi sợ hãi mà mình tưởng là, cho là kìm hãm niềm hạnh phúc, sự phát triển của con, của chính mình. Mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA, bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!
Hẹn bạn ở bài Coach số 15 của khóa 01 nhé, tất nhiên:
- Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)
- Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa ở mục Giáo Dục Tỉnh Thức. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.
Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời
Nguyen Dinh Hieu
678223999 - VPBank
Nội dung: Cam on cac bai coaching
Thân gửi
Bố Ken ✍️