Coaching tình huống mẹ hay cáu gắt, em bé 3 tuổi hay mút tay, con cảm thấy bất an

Bạn thân mến,

Đây là bài Coaching số 18 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 01” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã trao đổi nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực thuận lợi cho việc học. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.

20241231_aFSBeBCH.png

Nhận được câu hỏi của JH, Bố Ken nhắn chia sẻ tình huống lại cho mọi người.

JH: Em chào BK và mọi người.

Hiện vấn đề của em là em để con mút tay trấn an khi ngủ từ nhỏ (do con không hợp tác ti giả) và đến giờ con 3 tuổi vẫn bị nghiện mút tay ạ. Lúc còn mặc túi ngủ con sẽ mút luôn túi ngủ nên giờ khi bỏ túi ngủ rồi con sẽ để ngón tay vào áo rồi kéo lên mút ạ.

Em có dùng nhiều cách như giải thích, cho con xem mút tay nhiều bị hô như nào, tay con sẽ đau/hư (hiện giờ ngón tay cái con da mỏng và thỉnh thoảng con có kêu đau ạ). Những lúc đó con ngưng mút được tí nhưng đâu lại vào đấy ạ.

 

Sau đó con sẽ trùm mền và trốn để mút.

Con không thích em cản, con kêu mẹ ra ngoài đi, không nghe lời mẹ luôn, mẹ đi đi... Thỉnh thoảng bực quá em có la con thì con không dám mút, nhưng đêm ngủ say lại mút, đêm em canh lấy tay ra nhưng vẫn chưa cai được ạ. 

Em không muốn la con hay tạo cho con nỗi sợ, nhưng em sợ con bị hô và đau ngón tay ạ.

 

Từ hôm vào nhóm thì em không cản nữa mà nói con nút ít ít thôi nha. Con vui vẻ nghe nhưng chưa giảm mút lại ạ.

 

Em không biết đến khi nào thì con mới thấy đủ để ngừng vì nghiện mút từ nhỏ đến giờ rồi ạ.Hiện con đã bị hô rồi ạ hix…Mong BK hỗ trợ trường hợp của mẹ con em ạ. Em cảm ơn BK và mọi người ạ.

 

BK: Ok em à. Em gửi vài ảnh bé, 1-2 ảnh của em qua tin nhắn riêng BK xem xem nhé.

 

JH: Dạ

 

BK: Ok BK nhận được rồi T à. T vào nhóm được khoảng mấy ngày rồi em nhỉ?

 

JH: Dạ 15 ngày ạ.

 

BK: Ok em à. 

Em đọc được đến bài Coaching nào rồi? 

Em thực hành được cụ thể những tình huống/sự việc gì rồi? 

Ngoài việc em vừa trình bày trên thì còn tình huống/vấn đề gì khác đang gặp không?

 

JH: Em đọc bài coaching 1 và có thấy mình cũng như chị trong bài là có ngăn cản con làm những việc con thích, em cũng tự thấy bản thân vội vàng thích làm gì cũng nhanh chóng, nên khi con và mọi người xung quanh làm chậm thì em rất bực. 

Em thực hành để con chơi tự do miễn không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến ai. Dù còn hơi mất kiên nhẫn nhưng em cảm nhận con vui và thoải mái hơn. những lúc bị em ngăn cản. 

Bình thường con tắm, em chỉ cho con ngâm nghịch nước tầm 3 - 5 phút thôi còn ba tắm thì cho con ngâm nghịch nước lâu hơn, nên con thích ba tắm hơn. 

Em thực hành khi tắm cho con, em cho con ngâm nước thoả thích em thấy con thư giãn và tận hưởng lắm. Nhưng khi em cho con ngâm khá lâu rồi và có nói con mai mẹ sẽ cho ngâm tiếp thì con không chịu. Em cũng học theo mọi người cho con chọn bây giờ ra lau khô và mai mẹ cho ngâm nghịch thoả thích tiếp hoặc từ mai không được ngâm nữa thì con vẫn không hợp tác ạ.

 

BK: CV hiện tại của T là gì em nhỉ?

 

JH:Từ ngày vô nhóm các vấn đề như mất bình tĩnh la con, chưa nghiêm túc kỷ luật bàn ăn, thiếu kiên nhẫn em đã cải thiện được kha khá ạ.

Hiện tại công việc em bận đến tối muộn nên con cũng ngủ muộn. Lúc trước áp dụng easy và ngủ riêng thì 7h30 hoặc muộn nhất 8h con đã ngủ rồi ạ. Giờ ngủ chung nên 10h-11h con mới ngủ ạ…

 

Sau khi con ngủ em vẫn phải làm việc nên đợi con ngủ em ra khỏi phòng. Thỉnh thoảng con sẽ tỉnh và khóc tìm mẹ ạ.

Giờ em nên làm thế nào để con ngủ sớm hơn ạ? 

Dạ em bán kính áp tròng, bán trà trái cây, bán đồ xách tay Thái Lan ạ.1 tháng e sẽ đi Thái tầm 3-4 ngày ạ.

 

BK: Thế tối con ngủ xong T sẽ làm việc tiếp đến mấy giờ em nhỉ?

 

JH: Dạ tầm 1-2h ạ.

 

BK: Ok ca của em để BK sắp xếp lại thời gian, có thể là tối nay or sáng mai T nhé.

 

JH: Dạ. Do sáng em hơi bận nên nếu được BK có thể giúp em buổi tối dc ko ạ? 

 

BK: Ok em à, tối nay lúc 9h em nhé.

 

BK: Em cản con mút từ lúc con mấy tháng T nhỉ?

 

JH: Dạ lúc tháng 10/2023 con đi học lúc đó được 2 tháng thì cô giáo có báo với em là cô cai mút tay cho Q, lúc đó Q 30 tháng ạ.

 

Cô báo em là trưa con ngủ cô ngồi canh, con mút cô sẽ nhắc là mút tay vi khuẩn vào bụng. Con sẽ không mút nữa nên dặn em tối cũng không cho con mút.

Con hợp tác được 3 ngày thì ngày 4 mút lại, em nhờ cô voice dặn con không mút nhưng chỉ lúc sau con trốn vào chăn để mút ạ.

 

BK: Ok em à. Em khuyên rồi, em la rồi, thậm chí không tác dụng, thậm chí phản tác dụng - cụ thể là con lại trốn và mút. Vậy ta dừng cách cũ đã, chấp nhận sự việc đang thế, không nói gì thêm, không làm xấu xí thêm, trước hết là thế. Ok chứ  T?

 

JH: Dạ.

 

BK: Ok vài việc khác xem e nhé: 

- 2 hôm nay em cản con những việc gì nữa T? 

- Cv bán hàng của em cứ bận rộn tới khuya mãi như thế à T?

 

JH: Dạ 2 hôm nay e có cản con đi chân không, em vừa đọc bài CN1 vào đêm qua, nên đã hiểu lợi ích của việc đi chân không rồi ạ.

 

Em cản con nghịch thùng đựng đá em bán nước nữa ạ. Vì có hôm em để con chơi thế là đổ cả thùng đá.

 

Dạ hiện kinh tế khó khăn nên em bán thêm nhiều thứ để gồng gánh ạ.

 

BK: Kinh tế khó khăn thì điều đầu tiên em nghĩa là LÀM VIỆC CÓ THU NHẬP, đúng không T nhỉ? Em còn nghĩ được thêm gì không?

 

JH: Dạ hiện em đang cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm lại ạ.

 

BK: CV của ck cũng đang giai đoạn khó khăn à T?

 

JH: Dạ đúng rồi ạ.

 

BK: BK muốn hiểu hơn về cuộc sống hiện tại của em nên sẽ hỏi kỹ, cũng là quan tâm tới em, vì dù sao em cũng là người mà BK quý từ xưa rồi, tuy nhiên nếu có gì không tiện nói public ở đây thì cứ nhắn riêng nhé em.

 

JH: Dạ vâng ạ.

 

BK: 3 việc em giảm chi, tiết kiệm lại ví dụ như gì T nhỉ? 

T đọc được đến bài Coach số mấy rồi em, cứ chia sẻ chân thành BK nghe coi.

 

Em cản con nghịch thùng đựng đá em bán nước nữa ạ. Vì có hôm em để con chơi thế là đổ cả thùng đá. Chỗ này đi: 

 

Việc đổ thùng đá là trước đó em nhỉ? Khi đổ thì em thế nào? Có quát con không, hay khuyên, hay thế nào em?

 

JH: Phần này e nhắn riêng rồi ạ. Dạ em đọc được đến bài 5 ạ.

 

Dạ đổ thùng đá là trước khi em đọc các bài coach ạ. Lúc đó ông ngoại la nhưng em cản. Em hỏi con có sao không và giải thích sẽ bị ướt đồ, nguy hiểm hơn có thể bị chảy máu chân ạ. Em không la em chỉ giải thích thôi ạ.

 

BK: Ok vậy thời điểm đổ là trước khi đọc, thời điểm em cản là gần đây, lúc ấy Q nghịch đá, em cản ngay hay có tương tác gì nữa không?

 

JH: Dạ mới lúc nãy con muốn mở nắp thùng đá, em hỏi con nhớ hôm trước con mở thùng đá, đứng chơi ở thùng đá thì bị sao không Q ? 

Q nghe vậy thì đi ra chỗ khác và hỏi lại em là con đứng chơi ở thùng đá thì bị sao mẹ? Em có nhắc lại là con bị ướt đồ và đổ đá bán của mẹ ra ngoài đó. Thì con không hỏi thêm ạ.

 

BK: Ok thay vì nghĩ tới quá khứ, em có thể hỏi một cách quan tâm không T? 

Vd: Con thích chơi với đá à Q? con muốn mấy viên mẹ lấy cho... nếu hỏi này thì sao em?

 

JH: Dạ em sẽ làm theo cách này ạ. Em tính là từ mai nếu con lại muốn chơi thì em sẽ hỏi như BK chỉ và cho con 1 thau riêng để chơi ạ.

 

BK: Ok Bố Ken hiểu cuộc sống đang áp lực với em, nó khiến cho em không thể nghĩ được gì hơn ngoài cố gắng làm, và làm... Và cứ thế mình sẽ không nghe những gì con đang muốn, con sẽ lạc lõng, trống trải, và mút tay là điều dễ hiểu, một cảm giác an tâm.

20241231_SvDyY7o0.png

Có bé sẽ chọn mút tay, có bé sẽ chọn hành vi khác chỉ để trấn an. Trước hết BK muốn em hiểu rằng: Nói mọi thì không dám, nhưng đa số đứa trẻ đều thích đá lạnh, thích cảm giác chơi với viên đá lạnh, trước có thể em chưa biết, giờ thì em rõ chưa?

 

JH: Dạ em hiểu rồi ạ.

 

BK: Ok T đọc bài Coach số 1 rồi em nhỉ? Bài ấy rất rõ ràng cho việc chơi với những viên đá, cấm cản...

 

JH: Dạ

 

BK: Ok tiếp theo BK muốn em hiểu rõ ràng tác dụng của việc đi chân đất. BK đã nói rồi, trong bài Coach trước cũng nói rồi, chỗ này giờ em thực sự hiểu chứ?

 

JH: Dạ em hiểu ạ

 

BK: Ok BK cũng hỏi em về cảm nhận các bài Coach rồi, em chia sẻ qua đây BK xem T nhé, xem em hiểu thế nào.

 

JH: Em xin chia sẻ cảm nhận của mình khi đọc các bài coach từ 1 đến 5 ạ

 

Bài coaching 1:

 

1/Sau khi đọc xong cả bài em cảm thấy buồn và hối hận khi đã không dành được thời gian cho con. Cảm thấy bản thân tồi tệ vì đã không đủ kiên nhẫn mà la con. Vì áp lực kinh tế mà mất kiên nhẫn với tất cả mọi người, mọi việc...

 

Em biết những thói xấu gần đây của con như lớn tiếng, hét lên, không vừa ý là quăng đồ, dậm chân là từ việc em hay la con, áp lực quá em cũng hét lên không kiểm soát. Em biết con quan sát em và bắt chước, nhưng thật sự em đang quá gánh nặng về kinh tế. Có những lúc em nghĩ nếu không phải vì con em muốn buông bỏ hết, cả chồng, cả gia đình...

 

2/Em ấn tượng về việc cho con chơi thỏa thích, con chơi nhưng cũng là đang học. Bài học em thấy cần khắc sâu và mang theo là hỏi ý kiến, suy nghĩ của con nhiều lần để hiểu được con và tập cho con tư duy, tham gia cùng con nhiều hơn để tăng kết nối.

 

3/ Kế hoạch ngay sau khi đọc của em là mỗi ngày phải dành ra ít nhất 20 phút chơi cùng con thật sự chất lượng. Cố gắng kiên nhẫn với con, không la con nữa và cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình (nhưng em đang bế tắc quá em sợ mình không làm được...)

 

Bài coaching 2:

 

1/ Buổi bóc tách này em thấy có những việc bản thân đã làm tốt hoặc từng làm tốt nhưng bây giờ lại chưa tốt. Nên chậm lại để quan sát con và hiểu con hơn.

 

2/Câu mà e thấy ấn tượng, muốn ghim vào để tự nhắc nhở bản thân là: "Mẹ an yên hạnh phúc, con trưởng thành phát triển" và đoạn "Khi chị là người quan sát, chị làm chủ thằng cảm xúc

Khi chị là người thiếu quan sát, chị là nô lệ cho cảm xúc

Hãy là người quan sát, để cảm xúc như một phương tiện nuôi dưỡng trải nghiệm sống của mình"

 

3/ Kế hoạch của em sau khi đọc là sẽ tập quan sát chính mình, không bám chấp suy nghĩ tiêu cực hay bám chấp và sự tức giận, tập làm chủ cảm xúc.

 

Bài coaching 3:

 

1/Em cảm thấy mình nên chú ý vài cách dùng từ với con để con không cảm thấy bị áp đặt. Nên gọn gàng hơn để con cũng học theo.

 

2/Câu em ấn tượng nhất là: "Khi bản thân thay đổi, thế giới sẽ TỰ ẮT thay đổi"

 

3/Kế hoạch của em là chú ý lại cách dùng từ với con, cuối tháng chuyển sang nhà mới sẽ gọn gàng hơn để con học theo. Giờ chuẩn bị dọn nhà nên vẫn còn bừa bộn ạ.

 

Bài coaching 4:

 

1/ Sau khi đọc xong em nhận thấy mình cũng có cấm con ăn vặt, vì con ăn bữa chính khá ít, rất thích ăn vặt, bánh kẹo đồ ngọt, thấy ai có cũng xin, mọi người thương cũng cho ăn nhiều nên đến bữa chính con lại hay bỏ cử hoặc ăn rất ít. Em cũng đã làm tư tưởng với cả nhà nhưng mọi người còn mềm lòng với con ạ.

 

2/ Câu em ấn tượng là:"Thà một đứa trẻ ở chùa có thể không đi qua con đường này. 

Còn những đứa trẻ ở đời, sống với anh em thì cần đi qua việc tranh giành, cái bản ngã, cái tôi sở hữu nó rõ, nó rõ thì sau mới nhận ra, nó mới nhận ra rằng có ngốc mới đi giành vậy, nhận ra mới buông được."

 

3/ Kế hoạch của em là tầm 1-2 tuần sẽ rủ con đi cửa hàng tiện lợi mua bánh kẹo mà con thích để làm BẠN với con.

 

Bài coaching 5:

 

1/ Em cảm nhận là do bản thân em để con bị ngủ muộn vì quá bị cuốn vào công việc. Và 1 phần cũng vì các mối quan hệ ạ. Cụ thể là em đã cho con tạm nghỉ học từ đầu tháng 2 vì kinh tế khó khăn, sau Tết nhà dì em mỗi tối hay qua chơi, có dẫn theo cháu gọi em là bà, gọi con là dì, cháu 4 tuổi nên Q và cháu chơi với nhau. Gia đình dì về khá trễ, tầm 9h30-10h, 1 tuần tầm 2-3 lần mọi người rủ cho các bé ra công viên chơi thì tầm 10g30-11h mới về. Vì thương con nghỉ học không có bạn chơi cùng, phần thấy mình bận việc ít dẫn con ra công viên chơi nên em ít khi từ chối ạ. Nếu không ra công viên thì các bé cùng chơi với nhau tầm 9h30- 10h mới tan, lúc đó Q mới bắt đầu vệ sinh cá nhân và đi ngủ ạ.

 

2/ Ấn tượng của em là câu: "KHI CON CẢM THẤY TRÁI TIM MẸ, TÂM HỒN MẸ, THÂN THỂ MẸ vẫn ở đây

Con sẽ không còn cảm thấy hoang mang

Con sẽ cảm thấy an tâm 

Con sẽ không còn tìm đủ lý do để gây sự chú ý, vì con ĐÃ CẢM THẤY RÕ, ĐÃ CẢM THẤY ĐỦ."

 

3/ Kế hoạch của em là mua sách ehon về việc ngủ sớm cho con khi kinh tế ổn hơn vì giờ em đang rất kẹt ạ.

 

BK: Ta thiếu hiểu biết

Ta tạo ra hành vi sai ở con

Sau rồi ta lại đi quát tháo với chúng.... 

Ta bận

Ta vội

Ta tạo ra nhiều sự bức xúc/khó chịu ở mình, ở người

Sau rồi ta lại trách số phận khắc nghiệt.... Có những lúc em nghĩ nếu không phải vì con em muốn buông bỏ hết, cả chồng, cả gia đình…

Em có thấy khi mình suy nghĩ "vì con" mình sẽ càng mệt không? nhiều khi cái gì đó đến bất như ý mình lại có gì đó nổi lên không?

20241231_j3U9HUhr.png

JH: Dạ em có

 

BK: Ngoài T , BK dám chắc ai đó đang cứ nghĩ là sống vì người khác, đặc biệt "Vì con", thế thì nhiều khi rất áp lực... có không các bạn? cứ chia sẻ coi, rồi BK lý giải nhé. Những quyết định mà lúc đấy ta cho là vì bố, vì mẹ, vì con,...

 

BK không ngồi đây coach vì T

KHÔNG

Nếu nghĩ thế thì đang có sự chia chẻ

BK sẽ thấy mệt

BK ngồi ở đây vì mình

Nhưng cái mình ở đây gồm có bạn

Bạn là cuộc sống của mình

Mình quyết định cuộc sống thế

Cái mình nó rộng lớn

 

T đừng nghĩ kiếm tiền là vì Q , đừng nghĩ sống vì Q... 

Hãy nghĩ Q nằm trong cuộc sống của em, là nằm trong, Q như cánh tay của mình chẳng hạn... 

Mình muốn mình khỏe, thì nên tự thấy chăm sóc cho cả tay cả chân... mọi bộ phận của cơ thể đều khỏe, chẳng nên vì mỗi cái tay, chẳng nên chia chẻ ra mình và tay làm gì cả.... 

Làm việc A là vì mọi thứ liên quan tới phẩm chất/lối sống/thu nhập,... của chính mình, con chỉ là một trong số liên quan thôi đừng cho con là tất cả trong cái việc mình làm.

 

Khi bạn hiểu được thế, bạn vẫn làm, nhưng bạn sẽ thấy nếu tệ hơn bạn sẽ tự chịu trách nhiệm, bạn không đổ lỗi cho con, nếu tốt hơn bạn tăng trưởng, con tăng trưởng theo... không chỉ con vui, hạnh phúc, mà lòng bạn cũng vậy... 

 

Có người đang hiểu và làm được như thế nhưng cách diễn đạt nhiều khi nhầm

Tuy nhiên nhiều người đang có sự chia chẻ, đang có tư duy là vì con… thế nên rất áp lực, nếu có gì sai thì sự trách móc diễn ra rất nhiều... 

T và các bạn thấy sao, hiểu ý BK chỗ này chứ nhỉ?

 

Bạn không vì bạn lại bảo vì con...

Bạn không biết tận hưởng cho chính bạn lại bảo vì con... 

20241231_TBb5IAsa.png

JH: Dạ đúng như BK nói nếu có gì xảy ra thì em cũng có suy nghĩ trách móc dù không nói ra ạ.

Những lúc con quấy, không hợp tác em cũng buồn và nghĩ "mẹ đã cố gắng rất nhiều, đánh đổi rất nhiều vì con mà..."

 

BK: Ok BK hiểu, T đã cố gắng rất nhiều, tuy nhiên em không buông cách suy nghĩ cũ, em sẽ rất mệt, em sẽ vịn theo cách nghĩ đó, theo tư duy đó, em sẽ luôn bảo là "mẹ đã cố gắng rất nhiều, đánh đổi rất nhiều vì con mà...", luôn vì thế để chì chiết con.... 

 

Em hiểu được rồi, thay đổi tâm thế đi T nhé. Qua một việc, ta sửa luôn tâm thế, thế thì đều là làm, nhưng nó sẽ khác đấy T à.

 

Ok, xong một việc này, đó là việc quan trọng, tháo gỡ nhiều áp lực cho T và một số bạn đang, dc chứ T nhỉ? 

 

JH: Dạ. Cũng may em chỉ nghĩ thôi chưa bao giờ nói với con.Em sẽ thay bỏ suy nghĩ đó ạ.

 

BK: Nếu ngày hôm nay BK không nói, có lúc cao trào em sẽ không phải nói, mà em la/hét lên luôn đấy.

 

JH: Dạ vâng ạ

 

BK:

- Các nội dung còn lại của em về bài Coach cơ bản ok, quan trọng là giờ em thực hành, em mà không thực hành em sẽ tốn nhiều thứ lắm... 

- Em nhớ nó không chỉ liên quan nuôi dạy con, mà cách mình phản ứng, xả rác trong căn nhà mình, rác tâm trí ấy, mình xả lên người khác, mình cũng còn tốn kém nữa,... tốn điều trị, tốn đi sửa chữa.. 

 

Thực hành rồi cập nhật lại em nhé. 

 

 - "kế hoạch của em là mua sách ehon về việc ngủ sớm cho con khi kinh tế ổn hơn vì giờ em đang rất kẹt ạ" => BK cứ gửi cho Q 2 bộ sách liên quan đi ngủ, không cần chờ kinh tế cải thiện đâu, sau này em có thì trả, không thì thôi, 1 năm, 2 năm không quan trọng…

 

JH: Dạ em cảm ơn BK ạ

 

BK: Đây là những cái SÂU, cần quan sát kỹ và thực hành trong nhiều tình huống để hiểu.

 

Không hẳn người nói VÌ CON là sai, nếu trong họ KHÔNG có sự chia chẻ, có thể ngay lúc này, khoảnh khắc này họ gọi vì con để diễn đạt trạng thái tâm họ đặt vào con một cách toàn bộ, họ hiểu lúc này mình cần chăm sóc cái tay vì nó cũng là cuộc sống của mình, họ hiểu con nằm trong cái mình cả mà thôi...tóm lại họ không hiểu sai về cái mình và đánh mất chính mình.

 

Ngược lại nói vì con hay không nói mà trong ta cứ có trạng thái/có suy nghĩ CHIA RẼ/TÁCH BIỆT, thế thì sẽ rất áp lực....ta và con, tuy hai người nhưng không phải là hai....

 

Vậy nên nhiều khi đừng nhìn vào câu nói. ĐỪNG VỘI NÓI AI ĐÓ khi mình chưa thực sự hiểu, hãy cảm nhận ở trong mình sau khi nghe BK nói những điều này trước.

 

Tuy nhiên khi năng lực đủ lớn ta có thể cảm nhận qua lời nói của một người để biết họ có sự CHIA RẼ hay không, cụ thể ở đây là T có đang rơi vào trạng thái đó.... 

 

Thiên chức làm cha, làm mẹ là thiêng liêng, thông qua việc này, thông qua việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ trưởng thành, ta nếm được nhiều vị, nếm được tình yêu, nếm được nhiều phẩm chất, phẩm tính... chứ không phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ tốt mà bản thân mình không tăng trưởng điều gì cả.... hãy nghĩ và cảm nhận về điều này để làm, thế thì sẽ tốt hơn cho chính bạn rất nhiều. . . 

20241231_YbHGNVU2.png

Các bạn có thể chia sẻ về trạng thái chia chẻ nếu diễn ra, chúng ta cần nhận ra rồi mới sửa được, còn không nhận ra chúng ta sẽ cứ cho là như thế và làm theo như thế mãi…

 

Việc mút tay của Q , em tạm gác đi như BK nói. 

Em không cấm cản con ở những việc rất bình thường

Đó là sở thích bình thường của mọi đứa trẻ

Thậm chí ta mang tô, mang xô và cho con nghịch đá... 

Ta gợi í cho con chơi các trò với đá

Ta chơi cùng con

Thế thì con sẽ hiểu được mẹ nghe con

Con sẽ dần kết nối lại 

Rồi một ngày em sẽ trò chuyện với con 

Thấy con mút tay, em không lao vào để cản/để nói nữa

"Q à, con muốn mút tay đúng không, mẹ ngồi đây nếu con muốn mút con cứ mút nhé", một câu hỏi ĐẦY QUAN TÂM.. 

Sau rồi hỏi con: Khi mút con cảm thấy thế nào, có phải con cảm thấy an tâm hơn không...

Đôi khi chỉ cần hỏi thôi, hỏi trong sự quan tâm, người ta sẽ thấy đủ.

Thậm chí khi con cảm thấy sự quan tâm, lắng nghe từ những việc A, B, em không cần hỏi mút tay nữa, có thể con sẽ không thèm mút tay nữa... con cảm thấy đủ an tâm rồi...

 

T hiểu ý chứ em?

 

Ta vô tình tạo ra hành vi sai ở con

Sau rồi ta lại đi quát tháo, la mắng chúng.... 

 

Bạn ở đây để hiểu về 

Một là hạn chế/không tạo ra cái sai nữa

Hai là sửa những cái đã sai 

Ba là cảm nhận rộng hơn để khai phóng những năng lực/góc nhìn/cảm nhận ở con... 

20241231_LrFZzRAA.png

Bài Coach này có vài chỗ sâu, các bạn thấy đoạn nào cần khắc ghi/lưu ý không? các bạn sẽ thực hành quan sát khi làm chứ?

 

HH: Đọc bài viết này của BK xong, chị nhận ra nhiều hành vi của B là do chính chị tạo ra. Điển hình là việc B "rất rất" thích sờ tóc, xoắn tóc mẹ bất cứ lúc nào gần mẹ .Vì ngày B vài tháng khi B khóc cứ được sờ tóc là con nín nên con có sở thích từ đó. B sờ cả đêm, cả trong lúc ngủ mơ màng, cả khi tỉnh dậy giữa đêm con sờ tóc mẹ để ngủ lại. Trc nhiều lần chị bất lực và cảm giác đau da đầu nó khó chịu ko biết làm cách nào đã lấy tay con cắn thật đau cho con sợ ko làm thế nữa, B có khóc có sợ, có giảm đi. 

Nhưng B vẫn sờ tóc mẹ mọi lúc, mọi nơi, và đặc biệt rất bện mẹ nữa, nhưng khi đọc được các bài Coach của BK có bảo "Con nằm trong người mẹ 9 tháng 10 ngày cơ mà". Chị dần hiểu được và chấp nhận mỗi lần con quấy đòi mẹ.

 

TL: ôi, giống con gái em chị ạ, lúc 5-6th là bạn ấy cầm cái khăn sữa rồi tự ngủ, không cần ru hay gì đâu, sau tự dưng cầm tóc mẹ 1 hôm từ đó đến giờ hơn 3t rồi vẫn thói quen này, còn bảo mẹ ơi mẹ đừng cắt tóc ngắn mẹ nhé. Đang khóc mà lại mẹ ôm, rồi cầm tóc cái là nín ngay ạ.

 

Em thì không thấy khó chịu hay gì cả, vì em thấy con như vậy con mới có sự an tâm. Chỉ khi em sinh bé thứ 3, một mình em 3 đứa, có lúc bé nhỏ khóc mẹ phải dỗ, phải bế đứng dậy, mà con gái thì cứ đòi mẹ nằm để cầm tóc, nói 1,2 lần không được, em đã gắt bé thả tay ra, bé tủi thân ngồi khóc nức nở, em lại thấy mình có lỗi quá, lại xin lỗi để làm hòa với con. Thật sự, khi đẻ các bé sát tuổi nhau quá là thiệt thòi rất lớn cho các con, con đang còn nhỏ đã phải làm anh chị, phải san sẻ mọi thứ với em nhỏ... thương lắm ạ.

 

Damthihienydtn: bé nhà em buổi tối sẽ đọc truyện cùng ba. Nhưng đến lúc ngủ lại phải ôm tay mẹ để ngủ. Bạn ấy thích lắm, còn thơm tay mẹ, bảo tay mẹ đẹp thế. Trước đây e cảm thấy khá mỏi khi vừa ôm bạn bé ngủ, vừa cho bạn lớn cầm tay. Giờ e cảm thấy nó thật yên bình. Con cần ôm tay mẹ để luôn cảm thấy yên tâm, thì sao mẹ lại cảm thấy khó chịu vì điều đó. Dần dà bạn ấy cũng khá hợp tác. Lúc nào mẹ ko thể cho bạn ấy mượn tay thì mẹ bảo: “ Em đang cần mẹ ôm ngủ. Con ôm vào bụng mẹ nhé. Mẹ cho em ngủ xong mẹ sẽ ra ôm con”. Thì bạn cũng khá hợp tác nằm yên chờ mẹ chứ ko khóc lóc rồi đập giường như hồi trc ạ.

 

NH: thực sự những lời của BK luôn đến đúng lúc! Tối hôm trước mình đã quát mắng con trong trạng thái rối bời. Mình cũng ko hoàn toàn ko hiểu rằng mình đang làm gương xấu cho con, nhưng lúc đó mình lại buông thả cho cảm xúc điều khiển mình. Sau khi mọi chuyện kết thúc, mình đã suy nghĩ rất nhiều, lẽ ra mình có thể chậm lại cơ mà, có thể ko quát mắng con mà, tại sao lại để con thấy điều ko nên thấy? Đọc những lời này của BK cảnh tỉnh mình ngay lập tức, con cái chính là phản ánh sinh động nhất, chân thực nhất về bố mẹ chúng. Người làm mẹ như mình nếu như ko giữ được tâm vững vàng thì làm sao con có thể yên tâm, có thể lớn lên tốt đẹp được. Mình lại dặn lòng từ từ thôi, chậm thôi. Tối hôm qua con ko chịu đi ngủ, cứ đòi chơi mãi, mình cũng suýt chút thì lớn tiếng rồi. Nhưng thật tốt vì mình kiềm chế được, chơi thêm với con 10p rồi con cũng chịu đi ngủ mà ko hề khóc lóc đòi hỏi. Những lần vượt lên cảm xúc của chính mình như vậy làm mình thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Thực sự cảm ơn BK, bằng một cách thần kỳ nào đó, luôn lên tiếng đúng lúc mình cần, dù ko phải nói riêng với mình! Cảm ơn BK để mình được đồng hành cùng BK và các mẹ.

 

HT: em cũng từng ôm những suy nghĩ này, vì con... thế nên những lúc mệt mỏi, 1 chút chuyện nhỏ cũng khiến em cáu gắt, la hét với chồng con. Giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc mệt mà giọng mình lại khỏe thế.

 

Em luôn cảm nhận BK rất Thương, nhưng BK không vỗ về cho những cái Khổ mà bọn em đang ôm ấp, BK giúp bọn em Sáng suốt hơn để tự nhìn nhận, khi đã Sáng Suốt được hơn rồi thì chắc chắn là sẽ không còn CẢM THẤY KHỔ.

 

Câu chuyện của T chạm đến em, vì e cũng từng như thế, tranh thủ làm mọi việc để kiếm tiền. Mỗi ngày em đều ghi chép lại chi tiêu, ngồi ngắm nhìn từng khoản chi, cảm thấy không thể tiết kiệm được, không nỡ nào cắt bớt bất cứ khoản nào dành cho các con... rồi lại dặn mình cố gắng kiếm tiền thêm, rồi em cảm thấy mệt mỏi đến sắp kiệt sức.

 

Hiện tại em cảm thấy khi mình đã thông suốt hơn, mọi việc xảy đến hàng ngày cũng nhiều May mắn, nhiều Ngọt ngào hơn. 

 

BK giúp em đổi khác không chỉ đối với chồng con, mà cả trong công việc. Sáng nay Em vừa nhắn tin với đối tác xong, tự nhiên e nghĩ đến BK. Nhờ học BK, tâm mình lúc nào cũng nhẹ nhàng, ko khó chịu gì cả, nên lời nói đổ ra nó khác.

 

Món này là công nợ rất lâu rồi, 2 bên cũng đã ngừng hợp tác, nay họ chủ động giải quyết. Em nhắn xong cảm thấy câu từ mình đủ ý, đủ chân thành, nếu không được học BK thì chắc chắn em ko nói được như vậy.

 

L: Thực sự mình đã phải google tìm hiểu xem CHIA CHẺ nghĩa là gì? Nhưng chỉ thấy kết quả từ chia sẻ, chắc do năng lực của mình còn nhỏ bé quá, chưa đủ để hiểu hết cái SÂU BK chia sẻ.

 

Bản thân mình cũng đã từng có lúc nghĩ vì con nên mẹ phải thế này thế khác. Nhưng giờ mọi chuyện xảy ra ngoài con, mình bình thản đón nhận, không phản ứng vội, tự mình an nhiên, hạnh phúc hơn thì những suy nghĩ vì con cũng ko còn nữa.

 

Về công việc cũng vậy, mình sắp xếp lại không để mình đuổi theo việc nữa. Nếu đơn hàng muộn quá mình sẽ để hôm sau tự dưng cũng thấy cuộc sống nhẹ nhàng bớt áp lực.

 

Mình cố gắng dành nhiều time chất lượng cho con, nghe và hỏi cảm xúc của con. Mình vẫn chưa đủ năng lực, chưa đủ quan sát nên vẫn có những lúc mẹ vẫn cáu nhưng cuộc sống của 3 mẹ con mỗi ngày đều vui vẻ hơn hạnh phúc hơn trước.

 

Mình vẫn đang sửa sai mỗi ngày, với bạn lớn và bạn nhỏ. Mỗi bạn mẹ sai 1 cách khác nhau. Nhưng với bạn lớn mẹ sai nhiều hơn, cứ nghĩ con hiểu chuyện mà kệ con. Mẹ vẫn cần thực hành, cảm nhận và thay đổi mỗi ngày.

 

Chiều hôm qua, chị gái rất hào hứng tặng cho em bánh ăn chiều ở trường của chị. Nhưng em được chị đưa thì lại bảo của B mà, ko chia cho chị. Mẹ ngồi nói chuyện cùng em, bánh này chị tặng con đúng ko? Vậy con cần chia sẻ với ai? Con đưa chị bóc rồi hai chị em ăn nhé.  Vậy là mẹ lại có những hình đẹp chụp hai chị em vui vẻ ăn bánh cùng nhau, chạy nhảy tung tăng ở sân trường.

 

Bạn thân mến, 

Bố Ken hiểu bạn rất yêu con, bạn rất thương con, minh chứng là bạn đã có mặt ở đây và đọc đến dòng cuối cùng này. Thế nên Bố Ken và team đã hỗ trợ tỉ mỉ copy toàn bộ nội dung buổi Coaching để bạn thuận lợi trong việc học và thực hành, mong bạn có thật nhiều kiến thức, năng lực để không bị nỗi sợ hãi mà mình tưởng là, cho là kìm hãm niềm hạnh phúc, sự phát triển của con, của chính mình. Mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA, bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!


Hẹn bạn ở bài Coach số 19 của khóa 01 nhé, tất nhiên:

-   Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)

 -   Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa ở mục Giáo Dục Tỉnh Thức. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.

 

Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời

Nguyen Dinh Hieu 

678223999 -  VPBank

Nội dung: Cam on cac bai coaching

 

Thân gửi 

Bố Ken ✍️

 

20241003_J6rQQ78e.png
Sao chép thành công mã giảm giá