Bạn thân mến,
Đây là bài Coaching số 02 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 01” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã trao đổi nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực thuận lợi cho việc học. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.
Chiều hôm ấy chị nhắn riêng cho Bố Ken với tình huống như bên dưới, mình nhắn gửi thêm vài ảnh của chị, của anh xã và cả của con để cảm nhận xem, và hẹn chị 20h30 tối vào nhóm nói chuyện.
Đúng 20h30 tối, mình mở một bài nhạc nhẹ quen thuộc và bắt đầu hỗ trợ:
BK: Chị chia sẻ tình huống của mình em hỗ trợ nhé.
KL: Mình có một cậu nhóc tháng 8/2021. Mình đã theo dõi Bố Ken từ trước khi sinh bé. Điều đó có nghĩa mình cũng quan tâm đến việc nuôi dạy con. Nhưng thực tế đôi khi không như mình kỳ vọng. Trước hết mình muốn nhận lỗi về mình trong việc đồng hành cùng con, có lẽ mình kỳ vọng quá nhiều, nhưng mình không đủ tính kỷ luật, nhất quán, hời hợt, không trọng tâm, nóng tính, không kiên nhẫn để hiểu con. Nên có lẽ như vậy mà tạo ra một bé hiện tại rất ễnh ương vì có lúc ngoan sẽ rất ngoan nhưng những lúc nghịch lên thì rất dữ.
Mình xin chia sẻ những lúc bé dữ, khó bảo: Ví dụ Sáng nay như mọi khi bé ngủ dậy 2 mẹ con trò chuyện 1 xíu rồi sẽ cho bé đi vệ sinh cá nhân, mình lấy bàn chải bé đánh răng thì bé không chịu đánh răng --> ok mẹ không đưa nữa.
Cho bé đi vệ sinh bé lấy bô mình đổ nước vào thì bé gạt ra, giật lấy ca rồi hung dữ đổ hết nước trong bô ra (phần nước mình đã đổ vào trước đó) mình kêu mẹ không thích con có thái độ như vậy, con mau trả ca nước lại cho mẹ thì bé cầm ca đi bỏ chỗ khác không đưa cho mình, bé bắt đầu hung dữ la khóc (bé không chỉ khóc không mà còn la nữa nên rất khó chịu ạ), bé xô đẩy mình ra khỏi nhà vệ sinh rồi đóng cửa lại, lúc sau mình mới quay ra nói chuyện bé mới chịu hợp tác lại.
Câu chuyện thứ 2: Cũng tối qua, bé chơi đồ chơi bày ra đầy nhà, lúc đó đến giờ đi ngủ mình kêu bé dọn đồ vào vị trí cũ ( có những lúc bé chịu dọn) tối qua bé không chịu, nói mẹ là 'No' rồi bỏ lên võng nằm, mình bực mình có quát con nếu con không dọn mẹ cho con ra ngoài ngủ, bé cũng không chịu, bé bắt đầu phản kháng la hét, hung dữ, ném đồ, mẹ có nói nhẹ, năn nỉ thế nào bé không ngớt, mẹ hướng dẫn con lấy món này để vị trí này thế con tức giận lấy ném món đồ đó, mình có nghiêm giọng thì bé dừng lại hành động nhưng thái độ vẫn rất giận dữ, khóc la, mình bực mình bế bé ra ngoài đóng cửa lại thì bé đập cửa vào ôm mẹ bớt khóc.
Lúc đó mình nói nhẹ nhàng, yêu cầu bé dọn đồ thì bé mới hợp tác làm theo ạ.
Điều mình đang lo lắng là: Tính bé rất nóng tính, ngang bướng, thiếu kiểm soát, khóc là kèm theo la hét rất to, mỗi lần tức giận lên là mẹ nói nặng nói nhẹ cỡ nào bé không nghe, bé chỉ la khóc phải làm cho bằng được cái bé muốn, làm gì không vừa ý là ném đồ, đánh lại mẹ.
Bé mình hiện tại chuẩn bị cho đi học nhà trẻ, trước đây ở nhà với mẹ, mình rất ý thức việc dạy bé nhưng nhiều lúc bất lực về tính của bé ạ. Mình sợ nó sẽ trở thành tính cách của bé khi lớn thật sự điều đó không tốt, mình rất sợ ạ. Nên muốn chia sẻ với Bố Ken để tìm cách phù hợp để điều chỉnh bé tốt hơn ạ. Cảm ơn sự lắng nghe của bố Ken và mọi người ạ.
BK: Ok em nhận được thông tin của chị, em sẽ hỏi một số việc khá sâu, chị chân thành chia sẻ, vô ngại nhé.
KL: Vâng Bố Ken
BK: Chị gửi em 2-3 ảnh của P em xem nhé
Gửi hình ảnh….
BK: Ok chị chụp cho em 2-3 ảnh trong căn nhà của mình nữa với nhé
Điều mình đang lo lắng là: Tính bé rất nóng tính, ngang bướng, thiếu kiểm soát, khóc là kèm theo la hét rất to, mỗi lần tức giận lên là mẹ nói nặng nói nhẹ cỡ nào bé không nghe, bé chỉ la khóc phải làm cho bằng được cái bé muốn, làm gì không vừa ý là ném đồ, đánh lại mẹ. Bé mình hiện tại chuẩn bị cho đi học nhà trẻ, trước đây ở nhà với mẹ, mình rất ý thức việc dạy bé nhưng nhiều lúc bất lực về tính của bé ạ. Mình sợ nó sẽ trở thành tính cách của bé khi lớn thật sự điều đó không tốt, mình rất sợ ạ
=> Điều chị lo là thế
Chị chia sẻ cho em chút, rằng:
- Chị thấy tính cách mình như thế nào? Con có gì giống chị?
- Chị thấy tính cách chồng mình thế nào? Con có gì giống anh?
KL: Về mình thì tính cách lúc vui vẻ hòa đồng, nếu có điều không thích thì hay cáu và nóng giận, rất khó chịu việc gì không vừa ý. Bố bé thì hiền, dễ tính nhưng một khi nổi giận thì cũng rất nóng tính ạ. Hầu như việc nóng giận thường xuyên thì không có ạ. Bé tương tác với mẹ nhiều hơn, mình nghĩ bé ảnh hưởng mình ạ.
BK: Chị là người làm việc rất rõ ràng, logic đúng không?
KL: Vâng ạ
BK: Chị K làm công việc gì nhỉ?
KL: Lúc trước mình làm văn phòng bên xuất nhập khẩu. Hiện tại mình nội trợ, chăm bé và kinh doanh ở nhà ạ.
BK: Rất khó chịu việc gì không vừa ý ==> Chị đã từng đánh con chưa? chị đánh bao nhiêu lần rồi?
KL: Mình có đánh bé rồi ạ. Từ 10 -15 lần ạ. Mỗi sau khi đánh bé mình luôn ôm bé và khóc, mình biết đó sai nhưng mình không kiểm soát được cơn tức giận lúc đó ạ.
BK: Anh xã đánh con lần nào chưa chị nhỉ?
KL: Không ạ. Ba không đánh bé. Bé lại sợ ba hơn.
BK: Ok chị à, nhìn ảnh Zalo em biết là con sẽ sợ ba hơn.
Ok cái này cũng nhiều người gặp chị à, em hiểu được điều này, và có cách thức hỗ trợ chị, mình tiếp tục chị nhé
Tuổi thơ chị có bị bố mẹ đánh không? Đánh nhiều không chị?
KL: Tuổi thơ mình có bị đánh ạ. Đánh không phải kiểu bạo hành. Đánh kiểu con hư, ương bướng như cách người lớn nghĩ ạ.
BK: Ok em hiểu, bố mẹ đánh chị có nhiều không? Có kéo dài không chị
KL: Không nhiều ạ. Chỉ thỉnh thoảng ạ. Mình không nhớ lúc nhỏ có bị hay không, chỉ nhớ giai đoạn lớp 2,3 thôi ạ. Lớp 4 thì không có nữa ạ.
BK: Ok lúc bị đánh chị cảm thấy thế nào? khó chịu, tức giận không chị?
KL: Mình là đứa trẻ lúc đó cũng gan lì, nên mình thường ấm ức, tức giận ạ.
BK: Ok chị à. Chị thấy anh xã mình kiểu vững vàng không?
KL: Không ạ. Anh xã mình chính kiến không kiên định, xã giao hơi rụt rè ạ.
BK : Chị CẢM NHẬN SÂU HƠN: Mình có còn tức giận bố mẹ không? mình còn khoảng cách với bố mẹ không?
KL: Không ạ. Mình không hận bố mẹ, trong mình chỉ có biết ơn. Những trận đòn ngày xưa mình chỉ nhớ vậy thôi chứ nó không là ký ức ám ảnh hay xấu ạ.
BK : Bố mẹ có cấm cản chị điều gì mà khiến chị nhớ không?
KL: Không ạ. Mình ở với ba mẹ hết cấp 1 thì từ cấp 2 mình ở với bà. Nên mình tính tự lập cao. Nên việc cấm cản mình thì ba mẹ không có, tôn trọng mình ạ.
BK: Ok giờ chị thấy P cũng đang thiên hướng thế này đúng không chị nhỉ?
KL: P thì có lúc rất ngoan. Lúc tức giận lên là mọi người có nói ngọt hay dụ kiểu gì bé không bớt tức giận. Làm cho bằng được cái mình muốn, nếu không cho sẽ ném đồ với thái độ rất hung dữ ạ. Mình nghĩ bé ảnh hưởng nóng giận của mình nhưng sự kiểm soát bé không có ạ.
BK: Ta không thể kỳ vọng một đứa trẻ do ta dạy dỗ có thể kiểm soát được khi ta còn chưa biết làm chủ bản thân, còn đánh con 10 - 15 lần, còn rất khó chịu khi có những thứ chưa vừa ý, trước không biết, nhưng giờ chị đồng ý chứ?
KL: Mình đồng ý ạ.
BK: Mình rất ý thức việc dạy bé nhưng nhiều lúc bất lực về tính của bé ạ
=> Chỗ này ý của chị thì rất tốt, ai cũng mong con điềm đạm, không nóng tính,...
Nhưng cách hiểu/cách thức bị sai, là chúng ta sẽ dạy chính mình trước.
Giờ em chia sẻ chị cách làm chủ chị nhé?
KL: Mình ghi nhận ạ.
BK: Chị biết người mù thông thường thì không thể quan sát đúng không? Và khi không thể quan sát thì chỉ làm theo thói quen đúng không chị.
KL: Đúng ạ.
BK: Ấy là nói về mù mắt, tương tự với người thiếu năng lực quan sát bản thân mình cũng tương tự.
Có thể nói hành động được tạo ra từ sự dồn nén của cảm xúc, của dòng suy nghĩ, của sự cảm nhận. Chỗ này có nhiều cách diễn giải.
Ví dụ một việc chị tương tác với con: Chị để tâm cảm nhận về 1 góc A, suy nghĩ dồn nén theo hướng đó, cảm xúc dồn theo hướng đó, và mọi thứ cộng lại thành 1 hành động ĐÁNH CON....
Nhưng nếu chị biết quan sát, chị thấy tâm đang cảm nhận 1 góc A, thấy không ổn, chị dập tắt ngay, chị đặt tâm cảm nhận về góc B, góc C... hoặc đến lúc có cảm xúc sôi trong người, chị quan sát được, chị dập tắt ngay/chị chuyển hóa ngay…
Trong vòng 10 ngày, hãy liên tục quan sát từng suy nghĩ, từng cử chỉ, từng hành động khi tương tác với con, ghi lại nhật ký sau 1 ngày...
Ngày hôm nay mình thấy bản thân đã nghĩ,.. nhưng... Chị hiểu chỗ này chưa nhỉ?
KHI SỰ QUAN SÁT ĐỦ thì mọi thứ nó sẽ theo cái đủ đó
Khi sự quan sát còn nông, mọi thứ nó sẽ theo cái nông đó
Chị hiểu ý chứ nhỉ?
Khi chị là người quan sát, chị làm chủ thằng cảm xúc
Khi chị là người thiếu quan sát, chị là nô lệ cho cảm xúc
Hãy là người quan sát, để cảm xúc như một phương tiện nuôi dưỡng trải nghiệm sống của mình
Xong việc này, em bắt đầu bóc tách một số tương tác của chị với con, để giúp chị hiểu hơn về con giai đoạn này, để giúp chị thêm các cách thức tương tác đúng với con. Ok chứ chị?
KL: Mình cảm ơn Bố Ken.
BK: Chị thấy bản thân mình kỳ vọng cũng cao, đúng chứ chị?
KL: Đúng rồi ạ.
BK: Vậy giai đoạn này vứt hết kỳ vọng đi chị nhé. Chỉ biết tập trung sửa mình, sửa cách thức mình nói chuyện với con. ĐỦ thì ra quả. Ok chứ chị?
Ví dụ Sáng nay như mọi khi bé ngủ dậy 2 mẹ con trò chuyện 1 xíu rồi sẽ cho bé đi vệ sinh cá nhân, mình lấy bàn chải bé đánh răng thì bé không chịu đánh răng --> ok mẹ không đưa nữa
=> Để giúp một đứa trẻ có thói quen đánh răng tốt, ta cần điều gì? cần cỡ bao nhiêu thời gian chị?
KL: Mình cần làm gương cho bé trước ạ. Chỉ cần 1-2 phút bé đánh răng rửa mặt xong ạ.
BK:
1/ Làm gương
2/ Đọc truyện liên quan đánh răng, em bé có thiên hướng làm theo nhân vật trong truyện
3/ Đọc truyện liên quan vi khuẩn làm hỏng răng
4/ Cùng con chọn bàn chải, kem đánh răng (cho con quyền quyết định... )
5/ Cho con một vai trò, khi con ổn mẹ sẽ hỏi trước khi đi ngủ mình nên làm gì con nhỉ?... con hỏi bố đã đánh răng chưa nào?...
Cho bé đi vệ sinh bé lấy bô mình đổ nước vào thì bé gạt ra, giật lấy ca rồi hung dữ đổ hết nước trong bô ra ( phần nước mình đã đổ vào trước đó) mình kêu mẹ không thích con có thái độ như vậy, con mau trả ca nước lại cho mẹ thì bé cầm ca đi bỏ chỗ khác không đưa cho mình, bé bắt đầu hung dữ la khóc ( bé không chỉ khóc không mà còn la nữa nên rất khó chịu ạ) , bé xô đẩy mình ra khỏi nhà vệ sinh rồi đóng cửa lại, lúc sau mình mới quay ra nói chuyện bé mới chịu hợp tác lại.
=> Chị nghĩ con có hiểu những gì chị làm không? Giờ nhìn lại, con không hiểu, con phản kháng, là điều bình thường, đúng chứ chị?
KL: Tất cả 5 bước trên mình có làm với bé hết ạ. Bé cũng nhận thức được việc không đánh răng thì sẽ bị hôi miệng. Nhưng cứ đến giờ đánh răng là bé chưa chịu hợp tác, mẹ phải nhắc hay dụ thì một lúc sau bé mới chịu vào đánh răng ạ. Vậy theo Bố Ken mình có nên mất thời gian để dụ bé hoặc nói lý lẽ với bé không? Hay bỏ qua nếu bé không hợp tác lúc đó ạ? Trong trường hợp này nhiều lúc bé không chịu hợp tác mẹ có dụ nhiều nhưng bé không chịu nên mẹ cáu ạ
BK: P chưa hoàn toàn tin chị, nên tạm thời chị chấp nhận một số hôm con không đánh răng, như em nói, còn phần kết em sẽ nói rõ hơn.
Ý nghĩa của việc đánh răng là CHĂM SÓC răng miệng, đừng mang tư tưởng đánh cho xong, hãy để con CẢM NHẬN được chị đang chăm sóc răng ấy. Điều này là quan trọng, đừng kỳ vọng, hãy TOÁT LÊN TÂM THẾ CHĂM SÓC RĂNG ẤY.
KL: Mình ghi nhận ạ
BK: Ok ta đi tới câu hỏi này chị nhé. Chị suy ngẫm và gửi em.
Câu chuyện thứ 2: Cũng tối qua, bé chơi đồ chơi bày ra đầy nhà, lúc đó đến giờ đi ngủ mình kêu bé dọn đồ vào vị trí cũ (có những lúc bé chịu dọn) tối qua bé không chịu, nói mẹ là 'No' rồi bỏ lên võng nằm, mình bực mình có quát con nếu con không dọn mẹ cho con ra ngoài ngủ, bé cũng không chịu, bé bắt đầu phản kháng la hét, hung dữ, ném đồ, mẹ có nói nhẹ, năn nỉ thế nào bé không ngớt, mẹ hướng dẫn con lấy món này để vị trí này thế con tức giận lấy ném món đồ đó, mình có nghiêm giọng thì bé dừng lại hành động nhưng thái độ vẫn rất giận dữ, khóc la, mình bực mình bế bé ra ngoài đóng cửa lại thì bé đập cửa vào ôm mẹ bớt khóc.
=> Nếu nói sâu: Khi chị đã không dừng được việc đánh con thì chứng tỏ sự dồn nén cũng rất nhiều
Và P cũng sẽ rất hung dữ mai sau khi sự dồn nén cứ tiếp tục như thế, có thể bạn ấy sẽ đánh người khác, đánh vợ, đánh con của bạn...
Về tình huống này: sau những bài học trước em chia sẻ cho chị TR, bạn HS, giờ theo chị mình nên tương tác con thế nào?
KL: Như những chia sẻ của Bố Ken cho trường hợp chị TR và bạn HS. Mình cảm nhận rằng, hãy nương theo con, nếu việc đó không ảnh hưởng hoặc gây hại cho ai thì hãy cho con được tự do, thoải mái với cái mà con đang chơi, đang tập trung. Mẹ chỉ nên quan sát và cho con thông báo, không nên áp đặt suy nghĩ, hành động của mẹ lên con ạ. Hãy cùng con khám phá niềm vui của con rồi hướng con theo cách của mình ạ.
BK: Cũng tối qua, bé chơi đồ chơi bày ra đầy nhà, lúc đó đến giờ đi ngủ mình kêu bé dọn đồ vào vị trí cũ => Thay vì bảo dọn đồ, chị nên bảo thế nào?
KL: Mấy hôm nay mình để một giỏ riêng, mình bảo bé là tới giờ đi ngủ rồi, con nhặt hết đồ chơi vào đây để các bạn cũng đi ngủ với con. Thì bé làm theo ạ
BK: Ok ta điều chỉnh một chút nhé. Trước khi cho con chơi, chị nên nói thế nào?
KL: Đồ chơi mình để 1 góc, nên bé chơi tự do thì mình không để ý bé lấy ra nên không nói gì trước đó ạ. Đôi lúc nhắc bé chơi xong con để vị trí cũ cho mẹ thôi ạ.
BK: Ok vậy mình QUAN TÂM hơn chị nhé.
1/ Hỏi cảm nhận của con: Con thích chơi... đúng không?
Có thể hỏi lại để ghi nhận, để kết nối niềm tin lại
2/ Con cho mẹ chơi chung với nhé? Nên dành thời gian thêm
3/ Ngày mai con muốn chơi nữa không?
Ok mẹ đồng ý, mai mình lại chơi nhé
4/ Vậy giờ mình XẾP đâu để mai dễ thấy con nhỉ?
5/ Ngày mai nhiệm vụ của chị là hỏi con: Hôm nay con muốn chơi...
Chị hiểu chuỗi các câu hỏi kiểu như này chưa?
KL: Vâng ạ. Hỏi để hiểu con ạ. Như cách mình thì mình đang áp đặt con nhiều hơn ạ.
BK: Chị hiểu từ XẾP em dùng và từ CẤT của chị khác nhau rồi chứ nhỉ?
KL: Mình hiểu ạ. Một từ như khuyến khích con. Một từ như ra lệnh cho con ạ.
BK: Ok chị, sự nhận ra ấy là tốt rồi. Chị thực hành trong ngày mai, và chia sẻ nhé
Ba thứ con thích nhất là gì chị?
KL: Bé thích đi xe thăng bằng, lắp hình và chơi xe múc ạ.
BK: Ok hãy bắt đầu kết nối con lại từ những sở thích này. Chị nhớ lại cách tương tác trên nhé?
Khi con tin chị
Cộng thêm việc chậm lại
Cộng thêm việc biết về cách thức tương tác như em hướng dẫn
Cơ bản lúc ấy chị nói đúng, và nói đúng thì con nghe là điều hiển nhiên. Chị an yên hạnh phúc, con trưởng thành phát triển. Ok chứ chị?
KL: Vâng ạ. Mình sẽ thực hành ạ.
BK: Hãy đi đến tận cùng: Để giúp các bạn nhớ, thực hành tốt, giúp các bạn giàu sự cảm nhận lên trong giai đoạn này, các bạn chia sẻ một số câu hỏi sau:
Phần 1:
Buổi bóc tách này mình cảm thấy thế nào?
Chữ/câu hay đoạn nào mình thấy ấn tượng và muốn ghim vào để tự nhắc nhở bản thân
Bài học mình rõ và muốn áp dụng ngay trong ngày mai là gì?
Phần 2: Cả ngày mai quan sát cách mình tương tác với con, thậm chí với người khác, và tối mai mọi người chia sẻ những gì đã áp dụng được vào đây nhé
Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ mỗi ngày, và từng bước một, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt to lớn
KL: Cảm ơn bài bóc tách của Bố Ken cho trường hợp của mình. Lúc đầu viết bài gửi Bố Ken là đổ lỗi cho P nhà mình có tính khó dạy. Nhưng khi được chia sẻ bóc tách của Bố Ken thì mẹ xin lỗi P và nhận lỗi ở mẹ, do suy nghĩ mình sai nên dẫn đến hành động sai. Hy vọng qua buổi hôm nay mình sẽ thực hành và thay đổi. Phía trên là dòng chia sẻ Bố Ken mình muốn lưu lại để ngẫm nhiều hơn ạ.
Các thành viên cũng đã chia sẻ những bài học, những lưu ý vào nhóm và sau vài ngày thực hành mọi thứ tốt lên rất nhiều.
Ta cùng đọc một vài chia sẻ nhé, xem mình có cùng sự cảm nhận không?
BB: Qua câu chuyện của chị KL và bóc tách của BK, em đã lưu lại được cho mình những bài học như sau:
1. Muốn con làm gì thì hãy làm gương trước để con nhìn thấy và làm theo.
2. Thay vì áp đặt suy nghĩ của mình lên con thì hãy chậm lại để hiểu suy nghĩ cũng như hành động của con.
3. QUAN SÁT ĐỦ sẽ giúp ta tránh bị cảm xúc dẫn dắt, hãy làm chủ cảm xúc của mình thay vì để nó điều khiển mình.
4. Việc sử dụng ngôn từ cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi dạy con, hãy để con cảm thấy nhẹ nhàng thay vì cảm thấy bị ra lệnh, bắt ép
Qua buổi học em thấy ấn tượng với những từ “QUAN SÁT ĐỦ, XẾP, ĐÁNH CON, QUAN TÂM”
Bài học sử dụng ngôn từ và biết quan sát đủ để xử lý cho tình huống của ngày mai về việc bé không chịu ăn cơm
CG: Qua những câu chuyện được Bố Ken bóc tách, cho đến hôm nay em đã tự cảm nhận được bản thân em dần chậm lại cùng con. Em đã không vội vàng cáu gắt với con, không ra lệnh hay ép buộc con như trước đây. Và quả ngọt đến với em ngoài sức em mong đợi, bé chơi rất ngoan, bé thích được mẹ chơi cùng, mỗi lần em làm giúp bé việc gì thì bé luôn nói con cảm ơn mẹ rất nhiều. Và em nhận thấy rằng khi em ngồi xuống ngang tầm con, nói chuyện nhẹ nhàng với con, cảm thông những việc con làm sai thì tâm trang của con sẽ khác rất nhiều. Thay vì chỉ khóc ăn vạ như trước đây thì bé dường như giao tiếp với mẹ nhiều hơn và bé sẽ nghe những lời mẹ nói. Em rất vui khi thấy con vui vẻ như vậy, và không đòi ti vi hay điện thoại như trước nữa ạ. Con vẫn là chính con được chơi những gì con thích nhưng luôn có mẹ đồng hành lắng nghe bên cạnh. Dù em biết mẹ sẽ phải học tập rất nhiều nữa, phải cố gắng rất nhiều hơn nữa. Em biết ơn bố Ken và các Mom rất nhiều.
HT: Theo dõi 3 buổi bóc tách của BK, cùng những lần BK phản hồi tin nhắn của các mẹ khác. Cảm thấy mỗi buổi lại đem đến bất ngờ cho em. BK tìm hiểu, thấu hiểu 1 phần, và dựa vào tính cách của mẹ để có cách tư vấn riêng với từng mẹ. Cảm thấy nếu mỗi đứa trẻ được người lớn cư xử, giống như cách BK cư xử với các mẹ, thì chắc chắn tạo ra những đứa trẻ tuyệt vời.
- Em ấn tượng nhất đoạn BK nói về sự QUAN SÁT. Và câu nói "Khi chị là người quan sát, chị làm chủ thằng cảm xúc. Khi chị là người thiếu quan sát, chị là nô lệ cho cảm xúc." Đúng chiều nay em vừa được trải qua cảm giác đó xong. Giờ đọc được câu nói của BK em thấy mình cần phát huy nhiều hơn nữa sự đấu tranh với thằng cảm xúc xấu, đó là bài học em muốn tiếp tục học.
VT: 1. Buổi bóc tách này em cảm thấy “giật mình”. Dù tự nhận thấy mình cố gắng kiềm chế bản thân nhưng thật sự là em chưa hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của mình khi chiều nay em đã đánh vào tay con vì con ném điện thoại. Em đã nhận ra rằng cách em quát/ mắng con giống như cách mà bố em đã quát mắng em. Cần phải thay đổi nếu như không muốn con là bản sao của ông ngoại và mẹ.
2. Em ấn tượng nhất với đoạn:
“KHI SỰ QUAN SÁT ĐỦ thì mọi thứ nó sẽ theo cái đủ đó
Khi sự quan sát còn nông, mọi thứ nó sẽ theo cái nông đó
Khi chị là người quan sát, chị làm chủ thằng cảm xúc
Khi chị là người thiếu quan sát, chị là nô lệ cho cảm xúc
Hãy là người quan sát, để cảm xúc như một phương tiện nuôi dưỡng trải nghiệm sống của mình”
3. Bài học em muốn áp dụng ngay trong ngày mai: tiếp tục sử dụng chuỗi câu hỏi như BK hướng dẫn, chấp nhận nếu kết quả có thể con không nghe theo (để không bị stress) và vẫn phải kiên trì thực hành, khnôg để cơn tức giận khiến mình phải quát mắng con
Cảm ơn BK, chị KL và các mẹ khác đã cùng nhau xây dựng nhóm và chia sẻ những điều tuyệt vời trên hành trình Cùng Con ạ
TN: 1. Buổi bóc tách này em ấn tượng nhất với đoạn:
“KHI SỰ QUAN SÁT ĐỦ thì mọi thứ nó sẽ theo cái đủ đó
Khi sự quan sát còn nông, mọi thứ nó sẽ theo cái nông đó
Khi chị là người quan sát, chị làm chủ thằng cảm xúc
Khi chị là người thiếu quan sát, chị là nô lệ cho cảm xúc
Hãy là người quan sát, để cảm xúc như một phương tiện nuôi dưỡng trải nghiệm sống của mình”
2. Bài học em muốn áp dụng ngay: kiên trì thực hành các bài học, kiên nhẫn hơn với con. Không để cơn tức giận khiến mình phải quát mắng con.
Cảm ơn BK, và các mẹ đã cùng nhau xây dựng 1 nhóm tuyệt vời như thế này ạ
HH: Buổi bóc tách này e ấn tượng nhất là “QUAN SÁT CẢM XÚC”. Thật sự đôi khi bản thân em nóng giật thì em rất mất kiểm soát và luôn đổ lỗi cho người khác. Sau khi đọc được đoạn BK bóc tách về quan sát cảm xúc thì em thấy rằng, hoá ra mình đang làm nô lệ cho cảm xúc.
Điều em muốn thực hiện ngay hôm nay chỉ đơn giản là quan sát cảm xúc của chính mình, kiểm soát được cảm xúc khi nóng giận, nhìn mọi việc theo chiều khác để dập tắt ngay cảm xúc không nên có.
LP: Cảm ơn Bố Ken đã bóc tách câu chuyện của chị KL, qua buổi bóc tách này em học được rất nhiều về bài học cảm xúc. Người lớn chúng ta áp lực đủ thứ vì công việc, tiền bạc, mọi vấn đề xung quanh, tuy nhiên khi ở với con mình cần phải lắng lại, thấu hiểu và chậm lại để quan sát cảm xúc và cảm nhận của con.
Em rất ấn tượng với câu nói này của bố Ken: “Hãy là người quan sát, để cảm xúc như một phương tiện nuôi dưỡng trải nghiệm sống của mình”. Em cũng là người kiểm soát cảm xúc chưa tốt nên đọc câu này em rất thấm, mình cần phải chậm lại, quan sát, làm chủ cảm xúc của bản thân thì mới có thể hiểu được cảm xúc của con và có phương pháp dạy con tốt hơn, để con và mẹ đều có những giây phút thực sự vui vẻ và ý nghĩa khi ở cạnh nhau.
Em sẽ áp dụng bài học về làm chủ cảm xúc, làm gương cho con và đặt câu hỏi với con trong những ngày tiếp theo. Việc quan sát và ghi nhận cảm xúc của con và mẹ cũng sẽ là 1 quá trình dài phía trước, thật sự cảm ơn những chia sẻ của bố Ken và các mẹ rất nhiều ạ.
CL: “MẸ LẠI SAI RỒI”. Mỗi ngày sau khi cáu quát con em lại tự nhủ với mình như thế, và sẽ lại chủ động gọi con trò chuyện với con. Nhưng sau bài bóc tách này thì mới thực sự thấy mình còn thiếu QUAN SÁT ĐỦ quá. Chỉ muốn nói con phải hiểu phải nghe theo mình ngay, việc gì cũng muốn theo ý mình.
Nhất là từ khi có em, lại chỉ có 3 mẹ con với nhau mẹ càng thiếu kiên nhẫn với các con hơn. Đỉnh điểm là tuần này khi cả 2 con đều ốm phải ép uống thuốc.
Mẹ sẽ cố gắng trở về là mẹ trước kia, luôn cố gắng giải thích với chị. Nhưng thực sự em có băn khoăn là với chị lớn từ hồi bé, em chỉ giải thích là con hiểu. Nhưng sao bạn bé này lại bướng vậy, mẹ nói bạn hiểu nhưng bạn không nghe như chị, huhu
NMT: Buổi bóc tách hôm qua của Bố Ken và chị KL hay quá. Em thấy điều tuyệt vời nhất em học được trong buổi nói chuyện này là cần tập trung sửa mình sửa cách thức mình nói chuyện với con. Nương theo con, cho con được tự do, thoải mái với cái con đang chơi. Hiện giờ em rất tâm đắc với bài học dạy con xếp đồ chơi và đánh răng vì thanh niên nhà em cũng thế. Ở nhà em, thường em sẽ là người có cảm xúc thấp hơn, khi con lỡ tay ném đồ vào mặt mẹ rất đau nhưng em cũng ít khi nóng giận. Sau buổi bóc tách của bố Ken, em sẽ thực hành từng việc một, trước hết từ việc dạy con xếp đồ chơi ạ.
Em cũng mong chờ các buổi bóc tách kế tiếp về chủ đề uống thuốc. Vì cái này thì em không thể nương theo con được vì đây là việc bắt buộc phải làm, nhưng hiện giờ em vẫn chưa làm sao để con chủ động vui vẻ khi uống thuốc được ạ
Bạn thân mến,
Mặc dù bạn biết đến hay tham gia trễ hơn mọi người, nhưng Bố Ken và team hỗ trợ đã copy toàn bộ nội dung cuộc hội thoại để bạn không bị bỏ lỡ chút nào, mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA. Bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!
Hẹn bạn ở bài Coach số 03 của khóa 01 nhé, tất nhiên:
- Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)
- Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa ở mục Giáo Dục Tỉnh Thức. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.
Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời
Nguyen Dinh Hieu
678223999 - VPBank
Nội dung: Cam on cac bai coaching
Thân gửi
Bố Ken ✍️