Bạn thân mến,
Đây là bài coaching số 6 trong nhóm “2019, 2020, 2021 - Cùng con với Bố Ken” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có con sinh năm 2019,2020,2021. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã xin phép nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực cùng học tập. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.
Đây là tình huống của một mẹ, rất yêu thương và quan tâm giáo dục con. Mấy lần bạn nhắn nhưng BK bảo cứ viết kĩ hơn rồi cập nhật vào link để BK xem trước, xong hẹn tối vào bóc tách trong nhóm.
21h tối, mình mở một bài nhạc nhẹ quen thuộc và bắt đầu hỗ trợ:
Bố Ken (BK): Hôm nay dự kiến sẽ bóc tách chuyện của Hồng hoặc Trâm nếu các bạn sắp xếp được.
Hương Trâm ( HT): Dạ e xin phép được chia sẻ câu chuyện của mình nhé ạ @Bố Ken
BK: Ok em cứ nhắn vô nhóm đây nha.
HT: Em xin giới thiệu e có 2 bé: bé chị 7 tuổi và bé em tên Phin 2.5 tuổi. Sau 3 tuần tham gia nhóm, em đã thu hái được 1 số ngọt ngào từ con, có những điều ngày đầu em nhắn tin nhờ Bố Ken gỡ rối, giờ e đã gỡ được.
Hiện tại, em đang gặp khó khăn về việc con hay hờn dỗi, quát mắng đánh bố mẹ, đánh chị, cả nói dối. Tình huống cụ thể như sau ạ:
Mấy hôm nay tiêm phòng về sốt mệt, con hay hờn dỗi hơn. Con quát mắng đánh bố mẹ, đánh chị.
1. Đi thang máy từ tầng 1 lên, con ấn chọn tầng 2, mẹ xoá chọn và nói "Không có ai ra tầng này con ạ". Con mắng mẹ "Sao mẹ tắt đi của con", rồi đánh mẹ. Mẹ nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát "Hôm sau mẹ bế con lên cho con ấn chọn tầng 16 nhà mình nhé, tầng 2 con chọn ko có ai ra cả, thang máy mở ra nhiều bị mệt sẽ hỏng". Con vẫn cáu gắt, sau đó mẹ nhận ra là con chưa biết về số, nên không hiểu những gì mẹ nói. Em không biết nên bỏ qua việc này hay giải thích vào lần sau đi thang máy
2. Đến giờ đi ngủ bố tắt điện con đánh mắng, mẹ nói đi ngủ thôi, con cũng mắng. Con hay nói "Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con đi, mẹ hư đấy, suốt ngày mẹ mắng con thôi." Mẹ hỏi "Mẹ sai chỗ nào nhỉ?". Con nói "Mẹ mắng con đi ngủ đi." Mẹ hỏi "Mình chơi rồi, giờ mình ngủ, đúng chưa nhỉ". Con nghĩ 1 lúc rồi đổi thái độ cười hề hề.
Thường con hay quát đánh mẹ, sau đó bố về lại nói dối là "Bố ơi mẹ đánh con". Mấy hôm nay con sốt mệt nên mắng mẹ nhiều hơn, mẹ lại gần ôm con, hỏi "Con mệt à, con muốn mẹ ở với con à". Và con gật đầu.
Nhưng sau con lặp lại nhiều lần việc quát mắng mẹ. Em không biết có thể hạn chế được việc này không ạ.
3. Chị đang chơi đồ chơi, em đánh chị và quát "của em mà", chị ngồi lên sofa, em đi theo đánh tiếp "chỗ của em mà". Chị cáu giận, mẹ gọi chị lại, ôm chị và hỏi, chị nói "Con chỉ muốn đánh em thôi". Mẹ nói:"Lúc con bằng em con cũng hay đánh chị Ngân (chị họ), có 1 lần bác đánh vào chân con, mẹ biết chuyện khóc cả tối vì thương con. Nên con đừng đánh em mắng em nhé." Lúc lâu sau khi đi xuống sân, chị ra ôm em, nói "Chị yêu em". Nhưng vào các lần khác, chị vẫn còn giữ ấm ức trong người, và dễ nổi cáu lên với em.
BK: Ok Trâm à.
1. Chuyện thang máy:
Bạn đầu khi còn nhỏ có thích bấm thang máy không em, em xử lý thế nào?
Các bạn nhỏ khác em quan sát có thích bấm không? thường họ xử lý thế nào?
HT: Dạ bình thường con ngồi xe lắc hoặc đứng góc phía trong, con không để ý. Cũng có hôm con đòi quẹt thẻ, nhưng có người khác quẹt trước nên con thôi. Hôm đó lần đầu tiên con tự bấm ạ
BK: Trâm đọc kỹ lại câu hỏi Bố Ken nè.
HT: E xin lỗi Bố Ken, em đọc nhầm ạ. Em không nhớ mình gặp rắc rối gì về việc này, có lẽ con không đòi.
BK: Ok em đọc tiếp vế thứ 2 coi coi nha: Các bạn nhỏ khác em quan sát có thích bấm không? thường họ xử lý thế nào?
HT:Em thấy các bé trai hay thích bấm, có khi bấm lung tung, hoặc ấn đóng mở cửa liên tục
Về tình huống cụ thể gần đây em không gặp chính xác, nhưng tình huống liên quan việc con đòi gì đó và khóc trong thang máy, thường mọi người cố ngăn cản việc con làm ồn để không ảnh hưởng tới mọi người hơn là tập trung vào với con.
BK: Ok em à. Mọi người đều nghĩ cho nhau, không nên làm ồn trong thang máy là đúng.
Ngoài cách cấm cản con, thì theo Bố Ken:
- Đánh lạc hướng: nếu không gian đủ rộng thì không nói, có thể đưa con ra xa nói chuyện, hỏi, nhưng trong thang máy chật như thế thì nên đánh lạc hướng, chuẩn bị trước vài câu chuyện, vài đồ vật để gây chú ý, hoặc đông thì nên chọn ở góc khuất nút bấm luôn.
- Đối diện: Nếu thang không có ai, em có thể tương tác như cách Bố Ken đã hướng dẫn: Con thích bấm số đúng không? để mẹ chỉ cho con nhé? Hôm sau chúng mình đi con cũng bấm cho mẹ nhé?... Hãy cho con biết là mẹ cho phép,... sau rồi em đưa nội dung nhưng mình chỉ bấm tầng mình nhé? chắc ở tầng sẽ có ghi số tầng đúng không em? thang máy mở ra em chỉ cho con tầng mình là số bao nhiêu đó, và trong thang máy cũng chỉ bấm số đó thôi... Điều này anh đã làm, đang làm, chỉ 1 thời gian là con quen thôi em à.
Trâm hiểu được ý chỗ này chứ em nhỉ? Có gì chưa rõ hay cần hỏi thêm không em?
HT: Dạ 2 việc này em sẽ chủ động thực hành vào tình huống tới
Em nhận ra 3 điều Bố Ken sửa giúp e đúng hay sai.
Em vội vàng tắt chọn tầng 2 và nói "Hôm sau mẹ bế con lên cho con ấn chọn tầng nhà mình nhé, tầng 2 con chọn không có ai ra cả, thang máy mở ra nhiều mệt sẽ hỏng".
=> 1. Em không nên bỏ chọn, nên để thang mở xong không ai ra để con hiểu con chọn sai là vô ích ( điều kiện thang vắng hoặc không có người, để không quá phiền mọi người)
2. Em hứa về việc hôm sau, con chưa tin. Em có thể tắt tầng mình (16), cho con được chọn lại theo cách "đối diện" anh nói
3. Con cáu gắt và có nói "Mẹ nói dối con, thang không bị hỏng đâu." => không nên nói việc con làm khiến thang bị hỏng, vì điều đó chưa xảy ra nên con không tin.
BK: Ok tốt em.
Chỗ "thang máy mở ra nhiều bị mệt sẽ hỏng""
Nói dối với trẻ là điều rất rất hạn chế, hãy im lặng nếu em không biết nói gì thì hơn... khi trẻ phát hiện mình nói dối sẽ to chuyện em à, một là con lại thiếu niềm tin, hai là con sẽ học theo...
Em hiểu sâu sắc hơn chứ nè?
HT: Dạ em hiểu rồi ạ, đúng là con bực nhất vì em nói ý đó.
BK: Ok Bố Ken sẽ tìm lại 1 bài, trước Bố Ken viết thấm lắm mà nãy giờ tìm chưa được nè.
Mục số 2 thì em cứ sửa mục 1 đi mục 2 gần như con sẽ thay đổi theo.
Mục 3: Ở lớp Phin có đánh bạn không em nhỉ?
HT: Thi thoảng e có xem camera thì thấy con quay trái gõ bạn này rồi lại quay phải gõ bạn kia. Em hỏi cô nhiều lần mà cô nói con ngoan lắm, không đánh bạn bao giờ.
Em đoán con vỗ vào bạn kiểu con nghĩ đó là trêu đùa ấy. Chắc bạn sẽ làm lại rồi trêu nhau, chứ bạn không khóc nên cô không nhìn thấy.
BK: Ok Trâm à. Chuyện chị em đánh/tranh giành Bố Ken cũng bóc tách rồi, với bé nhà em không có gì căng đâu, mọi đứa trẻ đều đang phát triển bản ngã của mình, con sẽ làm đau ai đó rồi thông qua đó con sẽ thấy không nên làm thế nữa...Song song em cũng đang đọc rất nhiều truyện tình cảm cho các chị em, thế là được em à.
HT: Vâng ạ em cảm ơn Bố Ken.
BK: Chuyện con thích bấm thang máy gần như bé nào cũng có, các bạn nhớ xem và áp dụng nhé.
. . .
23h rồi, HT nhắn xong, các bạn thành viên cũng miệt mài chia sẻ những bài học, những ghi chú, những lưu ý. Và như thường lệ, ngay hôm sau các bạn đã mang thực hành, vài ngày sau có nhiều kết quả rất tốt, bạn hãy xem chia sẻ của HT nhé:
HT: Em xin chia sẻ về mấy ngày vừa qua ạ
1. Việc đi thang máy: Hầu hết ngày trong tuần đi lại vào giờ thang đông nên em dùng cách đánh lạc hướng. Hôm chủ nhật thang không có ai, em chủ động hướng dẫn con bấm số khi xuống tầng 1, và khi lên tầng 16. Con vui vẻ làm theo, mọi việc nhẹ nhàng như mây ạ. Sáng nay đi xuống, con đứng góc đối diện thang, 2 mẹ con vào sau nên thang đã có sẵn chọn tầng 1 và tầng hầm. Con đứng nhìn rất lâu vào hàng số. Mẹ hỏi "Con muốn bấm chọn à", con gật. Mẹ nói "Có chú chọn trước tầng 1 của mình rồi, hôm sau mẹ sẽ cho con bấm chọn nhé". Con gật đầu đồng ý.
2. Việc chia sẻ được thực hành mỗi ngày, về đồ chơi thì đôi lúc chị đang chơi em vẫn lại giành của chị. Còn về đồ ăn em đã biết chia sẻ chị và mọi người. Ăn món gì thấy ngon em cũng đưa ra 1 miếng nịnh bố mẹ ăn thử, và nhất định bố mẹ phải ăn em mới chịu, vui vẻ cười.
Hôm chủ nhật, gần giờ ăn tối, 2 con đi chơi hàng xóm về, em đòi ăn bánh gạo. Bố cho 2 chị em xuống mua. Mua được bánh kem xốp, lên con đòi ăn, mẹ nói ăn 1 cái xong ăn cơm. Ăn hết con vẫn thèm lắm, đòi cái thứ 2. Lâu lắm rồi con không được ăn loại này . Ăn hết cái thứ 2 con đòi tiếp, mẹ từ chối bảo con vào tắm xong ra ăn cơm, rồi mẹ cho. Con vẫn thèm lắm đứng xin xỏ. Đúng lúc mẹ mủi lòng thì chị gái ra bảo "Mẹ ơi không cần cho em thêm đâu, Phin ơi em ăn nốt phần của chị này". Chị gái đã bao dung nhiều hơn với em.
Lúc chiều ngủ dậy em ngái ngủ, chị giả làm ông già noel mang quà tới, trong có 1 hộp sữa tươi, 1 hộp thạch, 1 hộp sữa chua. Em đòi ăn thạch, ( thạch cũng là món chị thích nhất, nhà chỉ còn 1 hộp này). Chị vui vẻ đưa em rồi nói: "Thế chị uống sữa nhé". Chị nói tới 2,3 lần đợi em xác nhận đồng ý. Trong lúc bón thạch cho em thì chị cũng thèm nên xin em miếng nhỏ, em đồng ý. Bọn trẻ đã tự biết chia sẻ mà không cần mẹ can thiệp.
3. Em muốn chia sẻ về chị lớn. Chị chơi ngoài hành lang với các bạn, đến giờ ngủ mẹ gọi về. Chị nghĩ cuối tuần muốn mẹ cho chơi muộn hơn, nên về nhà ngồi 1 chỗ tỏ ra khó chịu. Mẹ bày trò trêu chị, chị ngẩng đầu buồn cười quá. Mẹ giả vờ chạy đi để chị đuổi theo bắt. Con gái vui vẻ và quên luôn việc khó chịu. Sự tích cực của người lớn mang lại điều tích cực cho bọn trẻ. Lâu nay mẹ nghĩ con 7 tuổi rồi, mẹ áp đặt những cái mẹ muốn mẹ cho là đúng lên con. Kể cả việc nhường em, mẹ luôn dặn mình công bằng, nhưng khi gặp tình huống thì lại áp đặt con lớn để nhanh được việc. Giờ nhận ra mẹ sai. Khi con tức giận, quan tâm 1 tí bày trò 1 tí con lại quên đi luôn, thay vì áp đặt con lớn rồi phải biết nghe lời mẹ, nhẹ nhàng thôi rồi con tự hiểu ngủ sớm vẫn tốt hơn.
Em nhận ra với chồng cũng vậy, ai cũng có nhu cầu và mong mỏi được LẮNG NGHE, được CHIA SẺ, được TÔN TRỌNG. Và ai cũng có những cá tính riêng, không muốn bị người khác ÁP ĐẶT.
Sau 1 tháng học Bố Ken và các mẹ, em nhận ra mình nên chọn LÀM BẠN, làm bạn với con, làm bạn với chồng. Lâu nay vì quá thân thiết mà bao cái xấu cái giận cái tệ mình áp đặt lên chồng con. Cần tốt lên tích cực lên, trong mấy chục m2 của căn nhà, NĂNG LƯỢNG người này toả ra sẽ tác động lên người khác, nhất là từ NGƯỜI MẸ.
Ai cũng vậy, cái gì càng bị cấm cản lại càng thèm muốn. Với mỗi nhu cầu của con, em chọn đáp ứng và sẽ tìm cách dừng lại khi con đi quá.
4. Khó khăn em đang gặp: Tối cả nhà nằm im rồi, con ở giữa bố và mẹ, mẹ ôm con xong mơ mơ ngủ, nghe nó nói "Ôi cái ổ điện này, mình làm gì để sờ được nhỉ". Mẹ hốt hoảng gọi bố, con òa khóc. Khóc 1 lúc rồi con nói "Mẹ nói to làm con giật mình đấy". Mẹ nghĩ lại lúc chiều ngủ dậy con nói "Cái ổ điện này, mình phải lấy gì chọc được vào nhỉ", nên mẹ sợ quá. Con hờn dỗi đuổi bố mẹ đi ra, lúc lâu sau mới ngủ. Em chưa biết cách để sau con không tò mò nghịch ổ điện nữa ạ. Vì cách đây mấy tháng, cháu họ bằng tuổi Phin đưa tay rút phích cắm của máy phát điện, bị bỏng suýt mất xương ngón tay, nên mẹ rất lo.
Chia sẻ với các mẹ video này là khi con đang mải xem tivi, mẹ khích lệ con tự tắt nhưng con chưa đồng ý, nên mẹ lấy đồ chơi ra rủ con chơi, cho các hạt vào giả vờ để đồ ăn vào bát để cho từng người ăn
BK: Đọc được chia sẻ của Trâm Bố Ken rất vui, vui vì em đã chú tâm thực hành rất tỉ mỉ. Bố Ken cũng đọc cả phần em đang vướng tiếp, sẽ nói về việc đó sau em nha.
Bố Ken mong rằng các bạn sau một ngày bận rộn thì tĩnh lại, chuẩn bị 1 tâm thế trước con, tâm thế quan tâm, chăm sóc con, và đừng quên những bài học/cách thức mà Bố Ken đã chia sẻ. Có gì cứ chia sẻ tiếp như Trâm, để Bố Ken xem mọi người đã gặt hái được gì, còn khó khăn gì nhé các bạn.
Bạn thân mến,
Mặc dù bạn biết đến hay tham gia trễ hơn mọi người, nhưng Bố Ken và team hỗ trợ đã copy toàn bộ nội dung cuộc hội thoại để bạn không bị bỏ lỡ chút nào, mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA. Bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!
Hẹn bạn ở bài Coach số 07 của khóa 01 nhé, tất nhiên:
- Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)
- Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.
Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời
Nguyen Dinh Hieu
678223999 - VPBank
Nội dung: Cam on cac bai coaching
Thân gửi
Bố Ken ✍️