Bạn thân mến,
Đây là bài Coaching số 16 trong chương trình Coaching “Cùng con với Bố Ken Khóa 01” - nơi Bố Ken đồng hành rất sâu sát với các mẹ có bé từ 15 tháng - 6 tuổi. Các bài này được lưu hành nội bộ, tuy nhiên có quá nhiều bài học ở đây nên Bố Ken đã trao đổi nhóm public để những người mẹ đang đau đáu vì con, đang bất lực thuận lợi cho việc học. Bạn đón nhận và nếu chia sẻ thì thông báo cho Bố Ken và team trước nhé.
Nhận được câu hỏi của CA, Bố Ken nhắn và hẹn tối nay Coach trong nhóm. Đúng 8h30 ngày 28/03 Bố Ken mở bài nhạc nhẹ và nhắn CA chia sẻ tình huống lại cho mọi người.
BK: CA nhắn tình huống vào nhóm em nhé.
CA: Mấy ngày gần đây bé nhà em (tên ở nhà của con là B) có những cơn "ăn vạ" dường như đang nhiều lên, dày lên. Cụ thể là tuần vừa rồi, 4/5 buổi ba mẹ đi đón ở lớp thì con đều khóc lóc, con thường có những hành động và câu nói kiểu chống đối ngược lại.
Ví dụ: Mẹ bảo đi về B sẽ nói: “Không đi về nhớ!”
Mẹ bảo: “Mình đóng cửa không thì sẽ bụi”, B nói: “Không bụi nhớ!”
… Mẹ nói gì bạn ấy cũng sẽ nói ngược lại
Em biết, B rất muốn được chơi nhà bóng và xe đạp ở sân trường vào cuối buổi học khi mà bố mẹ đến đón. Em hiểu và cũng đều để con được chơi lâu, hầu như con đều là người về cuối cùng của trường. Em cũng có chơi cùng con, 2 mẹ con chơi rất vui, có hôm mẹ chơi cùng, có hôm ba chơi cùng, nhưng cảm giác con vẫn muốn chơi nhiều hơn và lâu hơn, con không muốn về. Em đã áp dụng nói chuyện cùng con theo cách BK hướng dẫn để kết thúc 1 việc, nhưng dường như đều không hiệu quả. Chỉ cần mẹ bắt đầu hỏi: “Con muốn chơi tiếp đúng không?", "Con rất thích chơi cầu trượt đúng không?" là con biết mẹ chuẩn bị bảo về, con lơ đi và không trả lời nữa.
Hôm đó, vì là học sinh chơi cuối cùng của trường rồi, các cô cũng giục để đóng cửa, nên mẹ đành phải kết thúc trò chơi của B, và bế bạn ấy lên xe về (B hậm hực và không vui). Từ đó về nhà là bạn ấy không hợp tác trong bất kỳ việc gì BK à, gào khóc rất to, rất nhiều, ...
Sau đó ba T có mắng to 1 câu (bình thường ba rất ít mắng) vậy là B im (kiểu dỗi và hơi sợ) sau đó chui vào rèm cửa như ảnh dưới ạ, đứng trong đó khá lâu. Hai ba mẹ vẫn ngồi cạnh, nhưng ba không nói gì (kiểu mặc kệ), mẹ cũng đang nóng không nói gì, 1 lúc sau mẹ hỏi: “Con có muốn mẹ ôm không”, B nói: “Không” (lúc đó kiểu vẫn đang muốn 1 mình ấy ạ)
Một lúc sau thì bạn ấy gọi mẹ, em chạy vào ôm, ....
Đây là ảnh lúc bạn ấy đứng nấp trong rèm, rất lâu, và không nói gì…
Em đang gặp phải vấn đề là vào mỗi buổi chiều đi học về, con không muốn về, muốn được chơi lâu hơn, nếu cố đưa bạn ấy về thì khi về nhà bạn ấy sẽ khó chịu, sẽ khóc, và nói không với tất cả các việc, các hành động mà mẹ hay mọi người nói.
Không khí của gia đình khá căng thẳng ạ.
Ngay chiều nay, tan học B vẫn được vào nhà bóng chơi, rồi đi xe đạp ở sân trường, chơi xong rồi các bạn đã về hết, các cô bắt đầu khoá cửa và giục về để khóa cổng, trời cũng bắt đầu tối hơn vì có cơn mưa, nhưng B vẫn không muốn về, mẹ nói kiểu gì cũng không nghe, cuối cùng mẹ đành phải “cưỡng chế” … và chuyện gì đến cũng đến ạ. Con lại phản ứng ngược với tất cả những gì mẹ nói và làm.
BK giúp em bóc tách vấn đề của em với ạ.
BK: Giờ hơi trễ rồi, mai CA nha, hôm qua BK thức hơi khuya.
CA: Dạ, giờ em mới sắp xếp xong các công việc của mình, nên giờ mới đọc tin nhắn của Bố Ken.
Dạ vâng, vậy em nhờ BK ngày mai giúp em ạ.
8h sáng Ngày 29/03/202
BK: Theo như nguyện vọng của CA thì 11h sáng nay BK sẽ hỗ trợ em nhìn thấy vấn đề và sửa, nhé CA
CA: Dạ vâng ạ, 11h em sẽ có mặt và dành trọn vẹn sự tập trung!
11h sáng Ngày 29/03/2024
CA: BK ơi, em đã sẵn sàng ạ
BK: Ok CA à. Công việc CA đợt này bận không em?
CA: Dạ, 1 ngày của em thường bắt đầu từ 4h45 sáng, và nếu như cách đây 2 tháng thì em sẽ làm đến khoảng 10h30-11h tối. Còn 2 tháng trở về đây thì buổi tối em thường không làm việc nữa, mà dành thời gian đó cùng với B ạ.
Buổi tối thì không phải làm việc tại công ty, em làm việc tại nhà, nhưng chủ yếu cũng là học tập, phát triển bản thân, đọc sách ... (nhưng chung quy lại đều là chưa dành thời gian cho con)
BK: Nhìn cách con phản ứng BK hiểu được nên mới hỏi câu hỏi đó.
Em làm công việc gì đấy CA?
CA: Em có 1 trung tâm về kỹ năng sống cho trẻ, bên em chuyên tổ chức các hoạt động kỹ năng, các chương trình trại hè cho học sinh. Mùa hè là đỉnh điểm công việc của bên em, nên thời gian này khối lượng công việc đang bắt đầu nhiều lên từng ngày ạ.
BK: CA đọc đoạn BK nói về Phương pháp sự lựa chọn chưa nhỉ? Em chỉ đang chăm chăm sử dụng phương pháp lựa chọn để kết thúc, kết thúc để được việc của em, em làm đến mức con hiểu luôn mẹ đặt câu hỏi chỉ để kết thúc, chứ chẳng phải vì cái gì đó cho mình, gần đây em để con làm/chơi gì thật đã chưa?
CA: Dạ, em hiểu ạ, em nghĩ mình cũng đang lựa chọn tình huống thật sự cần thiết mới dùng phương pháp lựa chọn.
B thích nghịch nước ở bồn rửa mặt mỗi buổi tối đánh răng, em có cho con chơi thật đã, ướt hết áo và cả mặt mũi, đầu tóc, (nhưng không thường xuyên chơi như vậy).
Con được chơi gạo, được chơi bộ toán học (ở shop BK),...
Nhưng sau khi BK hỏi, em đếm lại thì dường như những lần chơi đó đang ít hơn.
BK: Trạng thái của con em, dần nếu em không đổi con sẽ rất sợ. Hiện giờ con đang phản kháng
CA: Từ Tết đến ngày 15/3 thì ngoài thời gian đi học ở trường thì con sẽ về với mẹ, 2 ba mẹ thay nhau chơi và mọi hoạt động tắm, ăn, ... là mẹ sẽ đồng hành với con.
15/3 trở lại đây, bác giúp việc đã đến làm thì những công việc như tắm, vệ sinh cá nhân buổi sáng của con đều là bác làm. ...
Có phải vì con đang "khát mẹ" không ạ?
BK: Con đang không tin tưởng mẹ nữa.
Con sẽ sợ nếu mẹ lên tiếng, vì nó biết mẹ lên tiếng là mình phải dừng cuộc vui...
Con ban đầu sẽ phản kháng với những gì con cho là đúng.
Dần con sẽ phản kháng bất cứ lúc nào mẹ nói, vì con tin rằng mẹ nói là sai, con không đủ điềm tĩnh để suy nghĩ nữa, nếu em không dừng lại và sửa nó sẽ thế, CA hiểu ý chứ em?
CA: Em có thể hỏi là vì sao con không tin tưởng mẹ không ạ?
Hay hành động nào của em khiến bạn ấy không còn tin tưởng mẹ nữa ạ?
BK: @All Bạn nào đang xem không, thả tim BK nhờ chút?
BK random đi, HH, MM : Theo các em lý do B không tin tưởng mẹ là gì?
TNB , TT nữa, thử đọc kĩ, cảm nhận, rồi chia sẻ BK xem.
BK: Ok mọi người chia sẻ được rồi.
Theo CA suy nghĩ lại thì do những gì em?
Ta ăn trưa, nghỉ ngơi, chiều sẽ bóc tách tiếp để hỗ trợ CA và một số bạn cả nhà nhé.
CA: Cảm ơn các mẹ đã đưa ra góc nhìn của mình,
Vậy Bố Ken nghĩ thế nào ạ?
Em muốn nghe chia sẻ của Bố Ken trước, được chứ ạ.
BK: Hãy hết lòng suy nghĩ và cảm nhận lại, rồi chia sẻ cho BK xem, dù lủng củng cũng được, quan trọng là chính em.
CA: Em thấy nhiều mẹ cùng nói tới ý: Cho con sự thoả mãn, được chơi ĐÃ, nếu con chưa thoả mãn thì con sẽ phản kháng.
Em thì không phản đối chuyện đó.
Chỉ đang nghĩ rằng, mọi thứ đều có giới hạn, và cả những lúc vui chơi cũng vậy. Và khi hiểu về giới hạn, thì chúng ta trân trọng khoảng thời gian cho phép, để chơi hết mình trong khoảng đó, cả mẹ và con đều hết mình. Em vẫn làm vậy.
Và em đang nghĩ, liệu con được thoả mãn điều này thì có lúc nào khác con muốn được thoả mãn mà những thứ ta không đáp ứng được thì sao?
Tình yêu thương, sự quan tâm không phải chỉ thể hiện ở chỗ cho con được chơi hết mình, nó chỉ là 1 phần, không phải tất cả.
Em thấy, có những lúc mình vẫn cần nhất quán, cứng rắn, để con biết mẹ không hài lòng khi con chơi quá giờ.
Vì em không muốn mình có suy nghĩ rằng mình sai, mình là người mẹ kém cỏi trong việc nuôi dạy con, chỉ là: Mẹ đang làm tốt nhất những gì mẹ có thể, và đang cố gắng để tốt hơn!
Cảm ơn các mẹ, nhưng thực sự có nhiều ý các mẹ chia sẻ KHÔNG đúng hoàn toàn, mình không phán xét, không trách, chỉ là các mẹ chưa hiểu hết về mình.
Đó là lý do vì sao em muốn được BK coach và bóc tách.
BK: Ok em sẵn sàng chưa, giờ em có nhiều việc không, hay cần để tối CA?
Tối ta tiếp tục CA nhé, mấy giờ em báo BK nha.
CA: Dạ vâng BK, vậy lúc 22h-23h tối nay em có thể tập trung được ạ
BK: Tức là trong khoảng 22-23h à em, hay là bắt đầu lúc 22-23h đều được em nhỉ?
CA: Dạ trong khoảng 22h-23h BK à, 22h bắt đầu ạ.
BK: Sau 23h CA cần ngủ hay làm việc hay làm gì em nhỉ?
CA: Sáng hôm sau em có lớp học vào lúc 5h sáng, nên muốn nghỉ ngơi đủ để tinh thần minh mẫn.
Nếu 1h chưa đủ để coaching thì tối nay em có thể bắt đầu sớm hơn 1 chút, lúc 21h30 ạ.
Trước đó thì em vẫn đang dành thời gian cho B, thường thì 21h30 bạn ấy ngủ say thì em có thời gian tập trung riêng của mình BK à.
BK ơi, vậy 21h30 được chứ ạ?
BK: @CA, Thường BK sẽ bắt đầu coach khi con cái đã ngủ, tầm 8h30, hoặc là hôm ấy chúng ta sẽ nhờ ai cho con ngủ, trường hợp mẹ đơn thân không ai phụ hoặc thực sự không sắp xếp được BK sẽ theo lịch của mọi người, mấy giờ cũng ok, khi BK đã ok là BK làm, khi nào xong xuôi, thấy các bạn hiểu thì ta nghỉ, các bạn thấy đấy, mỗi buổi Coach cần cỡ 2.5 tiếng là ít, nó khoảng như thế và chậm chí 12h khuya mới kết thúc vẫn rất ok.... Nói tóm lại là quên thời gian kết thúc đi, kiểu gì cũng kết thúc và nó sẽ kết thúc đúng lúc, nếu trong khi Coach cứ nghĩ sắp hết giờ rồi, thế thì nó khó, đôi khi vội vội cho xong... BK sẽ không làm điều đó. Buông lo lắng cho tương lai, thế thì ngày mai sẽ là những hương hoa nhờ sự sáng suốt ở hiện tại.
Nhìn lại cách em nhắn cho BK, cách em tương tác với con, nó có những gì giống nhau không?
Em đưa ra giới hạn, liệu giới hạn ấy có thực sự tốt TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY không? Trong khi coach lại nghĩ sắp đến giờ nghỉ?
Rồi bắt đầu sớm hơn một chút.
Thế thì trong khi cho con ngủ lại nghĩ sắp đến giờ Coach rồi....
Đừng một lúc muốn nhiều quá, em muốn ngủ sớm mai có lịch thế thì cứ ngủ, đăng ký coach vào ngày mai, ngày kia, chỉ e là mai, ngày kia em lại có những thứ muốn khác mà không thể dừng lại...
Còn em muốn coach thế thì thu xếp thời gian thoải mái vào, buông hoặc quên cái mệt của thân, để tâm trí chúng ta nghe cho đủ, nghe cho trọn... CA à.
@All Các bạn:
Nếu như ta đang thấy ổn, thực sự ổn
Thế thì cứ tiếp với cuộc sống ấy
Nếu như ta đang thấy mình minh mẫn
Thế thì cứ tiếp với cái minh mẫn ấy
Nếu như ta đã thấy có gì đó không ổn
Thế thì đừng thêm ngày không ổn nào nữa
Bằng cách nào đây
Dành thời gian quan sát, quan sát cách mình nghĩ, cách mình cho là, cách mình làm..
Nếu không biết thì nghe BK bóc tách để thấy, hoặc hữu duyên với ai thì nghe họ làm rõ cho.
Trong trạng thái là gì: Được coach chứ không phải là bị coach, thậm chí bạn nào vui đến mức xem đó là ĐẠI HỮU DUYÊN chứ không phải hữu duyên thì bạn ấy càng tăng trưởng. BK thấy, ở đây, cũng có các bạn cảm nhận được điều đó rồi đấy chứ.
Các bạn, bạn nào thử chia sẻ trạng thái khi đọc trực tiếp lúc BK Coach ấy, các bạn có lo lắng liệu hôm nay mấy giờ sẽ xong không? Có thể thời gian đầu có, sau quen rồi thì thấy sao? Rồi bạn nào BK coach trực tiếp thì thấy có hào hứng không, hay lo lắng gì không :)
CA: BK ơi, chiều nay bé nhà em sốt cao, đang quấy khóc nên em xin off buổi coach tối nay ạ. BK và các mẹ thông cảm giúp em, em cảm ơn ạ.
BK: Ok em à.
Ngày 02/04/2024
BK: @LV @All :
Mỗi tuần BK đều dội vào nhóm mình rất nhiều dưỡng chất.
Có những cái đã dội rồi vẫn nên dội tiếp, như tưới nước hàng ngày vậy.
Có nhiều cái mới chưa bao giờ dội.
Cần đủ về lượng và chất dinh dưỡng, như thế mọi người mới tăng trưởng vững vàng được.
Có bạn cũng nhắn cho BK: "Đợt này công việc em bận quá, em chỉ muốn nhờ BK coach riêng".
BK đồng ý Coach riêng, nhưng bạn cũng nhớ tại sao BK lại hay coach chung trong nhóm, BK viết ra đây cho đầy đủ để không bỏ lỡ:
Một là mỗi bạn sẽ mang đến những tình huống khó, và chúng ta có thể học được khi BK coach cho chính mình, cho người này, cho người kia, sẽ có vô vàn câu chuyện, vô vàn bài học liên quan đến mình, vô vàn DƯỠNG CHẤT cho mình, thậm chí giúp mình tránh gặp phải, tránh đau đớn. Thực ra lúc BK coach là BK xem chữ BẠN nó rất lớn, nó gồm cả người trong nhóm thậm chí cả người ngoài. Các bạn cảm nhận điều này chia sẻ BK xem nhé, có phải BK coach cho một ai đó nếu mình đọc và cảm nhận kĩ sẽ thấy như đang coach cho mình không?
Hai là BK không có nhiều thời gian đi coach riêng, lượng các mẹ bên ngoài nhóm hỏi rất nhiều nhưng BK không nhận, nếu BK nhận BK sẽ không thể coach cho mọi người ở đây, khó đồng hành một cách kĩ càng như thế này, thậm chí không thể coach cho chính bạn nếu BK nhận coach riêng nhiều. Bạn hiểu rõ ý BK chưa nhỉ?
Ba là BK có đủ năng lực để cảm nhận một cách sâu và rộng. Cái này thì thành viên tự cảm nhận và có một lời bình xem, hay có nghi ngờ chắc là BK quen biết bạn được coach trước đó không. Tuy thế BK cũng cảm nhận liên tục để xem không quá nhiều, không nhốn nháo, làm chủ được, cũng không quá ít, ít quá thì cũng ít bài học, ít dưỡng chất.
BK chỉ hỗ trợ Coach riêng với các vấn đề kiểu hôn nhân vợ chồng, hay một số điều các bạn chưa tiện hoặc không tiện chia sẻ ra…
Tuần rồi và kế hoạch tuần này:
- @PTKL: L sau một vài gợi ý đã hẹn sắp xếp và thực hành tiếp, sẽ cập nhật trong vòng 2-3 tuần nữa.
- @CA: CA có một số cái cần BK hướng dẫn tiếp, BK hiểu được em, em có thể nhắn riêng hoặc qua đây sau khi con ốm nhé. Đợt trước em đã làm rất tốt, có kết quả tốt, nhưng bẵng đi em đã bị cuốn và nếu không để ý lại nhiều rắc rối CA nha.
- @ĐTH: H là một trong những bạn gặp nhiều khó khăn, đã để tình trạng nặng quá, em học và hành thế nào rồi cập nhật BK xem, cập nhật vài tình huống mình thấy hành ổn và cập nhật thêm 3 tình huống mình đã tương tác mà cảm thấy chưa ổn, chưa hiểu nhé.
- Các bạn khác cũng liên tục dội những thành quả hoặc là cập nhật khó khăn BK xem, khi cập nhật vào link các bạn nhớ nhắn riêng để BK biết nhé...
Một khu vườn đầy dưỡng chất, đầy tình yêu thương, đầy lòng biết ơn, đầy sự sáng suốt. . . để tất cả chúng ta cùng tăng trưởng, hạnh phúc cùng với con, cùng những người thân yêu.
Ok chứ các bạn?
CA: Dạ em cảm ơn BK vẫn nhớ đến câu chuyện của em. Bé nhà em đã khỏe và tối nay em sẵn sàng tham gia buổi coach của BK ạ.
Ngày 03/04/2024
BK: Tối nay mấy giờ bắt đầu được CAi?
CA: Dạ, tối nay thì em có lịch họp trước đó rồi ạ, sợ là sẽ xong muộn, nên tối mai thứ 5 thì có được không BK?
20h30 ngày 04/04/2024
BK: 9:30 tối nay bắt đầu được không CA ơi?
22h ngày 04/04/2024
CA: Dạ giờ em mới check tin nhắn điện thoại ạ, không biết BK còn ở đó không ạ.
BK: BK quên hết chuyện của CA rồi. Để BK kéo lại lên trên coi em nhé.
CA: Đây ạ, em cũng vừa phải kéo xem lại.
BK: CA copy tình huống, copy đoạn em đang quan tâm nhất ở đây BK xem nhé!
CA: Em thấy nhiều mẹ cùng nói tới ý: Cho con sự thỏa mãn, được chơi ĐÃ, nếu con chưa thoả mãn thì con sẽ phản kháng.
Em thì không phản đối chuyện đó.
Chỉ đang nghĩ rằng, mọi thứ đều có giới hạn, và cả những lúc vui chơi cũng vậy. Và khi hiểu về giới hạn, thì chúng ta trân trọng khoảng thời gian cho phép, để chơi hết mình trong khoảng đó, cả mẹ và con đều hết mình.
Và em đang nghĩ, liệu con được thoả mãn điều này thì có lúc nào khác con muốn được thoả mãn mà những thứ ta không đáp ứng được thì sao?
BK: OK CA à.
Tạm gác chia sẻ của các mẹ khác, giờ BK chia sẻ, em suy ngẫm, cái gì đúng, em ghi nhận, cái gì chưa, em hỏi tiếp, hỏi tới khi MỆT thì thôi, ok chứ em nè?
CA: Dạ vâng ạ.
BK: Trước đây khi chưa tham gia nhóm, có một số việc ở con, em thường đưa ra một mức giới hạn nào đó?
Ví dụ nghịch nước, ví dụ...
Sau khi tham gia, em thấy cái gì em đã nới rộng giới hạn, và em cảm thấy thế nào sau khi nới rộng giới hạn đó?
BK hỏi vài câu hỏi sâu hơn về tuổi thơ của em, em thả lỏng bản thân và trả lời một cách chân thật, ok chứ CA nhỉ?
CA: VD1: Con xem tivi đến giờ ăn cơm thì con không muốn đi, mẹ nói: “Ok vậy mình xem thêm 3p, 5p nhé”, để con dễ hiểu hơn thì em nói: “ Mẹ sẽ đặt báo thức khi nào chuông kêu mình sẽ đi ăn cơm nha”. Em chờ phản hồi của con, con đồng ý thì mẹ bật xem tiếp, chuông kêu, những lần đầu dùng báo thức con đồng ý vui vẻ đi, nhưng lần sau thì con không muốn mẹ dùng báo thức nữa.
Sau khi tham gia nhóm, những hoạt động chơi của con, em đã nới rộng giới hạn như:
1. Con tắm và thích ngồi lâu ở trong chậu để vầy nước, những hôm trời kkông quá lạnh em đồng ý cho con chơi rất lâu, chồng em và bác giúp việc cũng thấy lo lắng và không đồng ý lắm vì sợ con lạnh. Nhưng những hôm trời quá lạnh thì con vẫn cần phải ra khỏi chậu sớm hơn.
2. Em cho con được chơi ở nhà bóng ở trường lâu hơn, thậm chí đến khi cô khoá cửa. Nhưng với những hôm bất đắc dĩ thì mẹ vẫn phải từ chối vì 2 mẹ con cần về sớm hơn.
BK: “BK hỏi vài câu hỏi sâu hơn về tuổi thơ của em, em thả lỏng bản thân và trả lời một cách chân thật, ok chứ CA nhỉ?”
CA: Dạ vâng anh.
BK: Chuyện tivi
Chuyện tắm
Chuyện đón con...
Còn chuyện gì nữa em kể thêm 2-3 cái BK nghe coi.
CA là người hiền lành, có thể nói là ngoan hiền, lễ phép, đúng không em?
Em thấy ngày xưa bố hay mẹ em có thường lo lắng rồi khuyên em không được làm cái này quá, không được làm cái kia quá...có kiểu như thế diễn ra nhiều không em? Nếu có em ví dụ BK vài tình huống, rồi BK phân tích xem.
CA: Chuyện đi thay bỉm rửa đ… sau mỗi lần con ị: con đang chơi sẽ không muốn đi ngay, ngày trước con nhỏ hơn thì em thường bế luôn vào nhà vệ sinh, nhưng giờ em chờ cho con chơi nốt, hơi mất thời gian nhưng sau đó con tự rủ mẹ đi rửa đ…cho con.
Đánh răng buổi tối: Bình thường cho con xong là em bế con vào nhà, còn gần đây sau khi đánh răng xong, em thấy con vẫn thích nghịch nước ở vòi, em hỏi: “Con thích chơi nước tiếp đúng không, vậy mẹ cho con chơi 1 lát, mẹ đi đánh răng của mẹ nhé, có gì con gọi mẹ nha”. Em sẽ làm việc của mình để con tự chơi, 1 lát sau con gọi mẹ, thì mẹ bế vào giường ngủ ạ, con khá vui vẻ.
Sau khi BK hỏi, em cũng đang phải nghĩ lại 1 chút vì hiện tại em không có ấn tượng nhiều lắm.
Mẹ em thì bận đi làm nhiều (vì kinh doanh buôn bán) nên thường mẹ không có thời gian ngồi khuyên bảo hay trò chuyện theo kiểu hướng dẫn, chỉ dạy nhiều ạ.
Bố em thì có thời gian chú ý đến con cái hơn mẹ. Hồi em bé, bố cũng quản lý em khá chặt, đi chơi đâu là phải xin phép bố, và đi đâu cũng cần về sớm, không được chơi với bạn trai, …
BK: Ok em à, dù sao thì em cũng đã mở rộng giới hạn, nhưng nếu em cứ tiếp tục giới hạn theo suy nghĩ của mình như trước thì em thấy con có phản kháng nhiều không? Em có tin là càng ngày càng phản kháng quyết liệt hơn không?
Theo em thì giới hạn của mình có khác của con không? Khác nhau chỗ nào? VD con chơi một lúc sợ lạnh nên dừng chẳng hạn, một lúc ấy là mình nghĩ chứ mình đã cảm nhận ở con chưa?
Lúc ấy em nghe bố mẹ trong trạng thái nào CA?
CA: “CA là người hiền lành, có thể nói là ngoan hiền, lễ phép, đúng không em?”
Em cũng từng được mọi người đánh giá là hiền lành, với ông bà cô chú trong nhà thì lễ phép và khá được lòng mọi người. Và bạn bè em cũng cho rằng em là như vậy.
Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, có thể do tính chất công việc, vợ chồng em tự thành lập công ty, có nhiều khó khăn, thử thách lắm, có những thời điểm trong túi chỉ có vài trăm ngàn, … rồi gặp nhiều tình huống khó, em thấy mình bớt hiền lành, và dứt khoát hơn trong nhiều tình huống.
BK: Giả sử đi, giả sử em bớt lo, bớt giới hạn cho chính mình,... thế thì có thể công ty sẽ ít khó khăn, ít gặp thử thách hơn, em nghĩ có thể xảy ra chứ?
CA: Dạ, 4 ngày gần đây em dành những khoảng thời gian cố định, đủ lớn, và không vướng bận công việc để ở cạnh con, nên em thấy mình không còn phải nghĩ về việc làm xong việc này thì đến việc kia, mà khoảng thời gian này là trọn vẹn cùng con. Mặc dù chưa hoàn toàn nhưng con đã bắt đầu hợp tác hơn trước ạ.
Công việc có thể chưa xong hết nhưng em cũng thấy thoải mái hơn.
Giới hạn của con thì em chưa hiểu vì sao lại khác với mình, và khác như thế nào ạ? Và làm thế nào để thấy được giới hạn đó của con?
Và nếu biết rằng đó chưa chạm đến giới hạn của con, nhưng có những giới hạn bên ngoài tác động vào có cần giúp con hiểu rằng: Mọi thứ không phải lúc nào cũng theo ý muốn của mình, hay không ạ?
Chỗ này em chưa rõ ạ.
Em sợ bố ạ, em nghe vì em sợ bố mắng, bố cáu giận. (Bố không đánh em bao giờ, nhưng bố em rất nóng tính)
BK: Ví dụ chuyện con tắm, em đưa ra giới hạn là vì:
- Vì em hay cả nhà cần làm việc B,C,...
- Vì sợ con lạnh
Đúng không em, còn gì nữa không?
Trước đây em cho con tắm mấy phút, giờ em cho con nghịch và tắm mấy phút?
“Bố em thì có thời gian chú ý đến con cái hơn mẹ. Hồi em bé, bố cũng quản lý em khá chặt, đi chơi đâu là phải xin phép bố, và đi đâu cũng cần về sớm, không được chơi với bạn trai, … ”
Nhìn ảnh em BK dám chắc 100% là bố hoặc mẹ em đã làm điều đó, tất nhiên cuộc sống nguy hiểm, bố mẹ lo lắng là đúng, nhưng cách thức bố mẹ làm nó có những thứ chưa phù hợp, cụ thể là khiến em sợ,... em làm chỉ để cảm thấy an toàn, cảm thấy không bị mắng, em không làm vì em cho rằng thế là đúng... CA hiểu chỗ này không?
Em lớn lên bởi nhiều thức ăn, trong đó thức ăn nỗi sợ không hề ít, nó nuôi dưỡng và lớn lên, rồi em sẽ sợ trong nhiều tình huống khác nữa... em cứ xem, em cản con, cản chồng trong những việc gì?
CA: Dạ đúng là 2 lý do như vậy đó ạ.
Em ít tắm cho con, chủ yếu đều là bác giúp việc tắm cho bạn ấy ạ, và tắm xong là vào phòng luôn, không mấy khi được chơi nước.
Nhưng em cảm thấy B khá là nghe lời bác V (bác giúp việc nhà em) nghe theo kiểu yêu quý chứ không phải sợ bác ấy đâu ạ, và có mẹ thì hay mè nheo hơn.
Dạ đúng là em thường sợ mọi thứ đi theo chiều xấu của nó, sợ mọi thứ không theo ý mình. Sợ là mình không làm chủ được kết quả mình muốn.
Giờ em không nhớ nhiều, nhưng BK hỏi em mới nghĩ lại, đúng là hồi bé em rất sợ bố ạ.
BK: Đứa trẻ nghe lời người lớn em cẩn thận:
- Một là người lớn thấu hiểu, yêu thương thực sự...
- Hai là hay dụ kẹo
- Ba là dùng vũ lực
- Bốn là. . .
CA: Dạ vâng ạ
BK: Em không tắm cho con mấy, BK không bảo bác V thế này thế kia, trước em bận, giờ em cứ để tâm, quan sát kỹ lại nhé... nếu thực sự bác thấu hiểu B, thế thì tốt, còn không phải quát mắng nhưng dụ kẹo, dụ tivi, thế thì cũng chưa ổn, CA hiểu ý chứ em nhỉ?
CA: Dạ, em nhớ rồi ạ.
BK: CA đã bao giờ em thực sự buông cho con chơi gì thật đã chưa?
Đã bao giờ em bảo: B, hôm nay cho con nghịch nước trong nhà tắm thật đã, khi nào thực sự con chán, khi nào muốn ra thì bảo mẹ chưa?
CA: Em chưa ạ.
Có hôm qua, khi đón con, em gặp con thì em hỏi luôn: Hôm nay mình đi chơi nhà bóng nhé, con vui vẻ tự chạy đi lấy dép, xách ba lô của mình và đi chơi nhà bóng, chơi khá lâu… nhưng con chưa chán thì đã phải về vì tối và các cô ở trường cần đóng cổng.
BK: Ok nào CA, vì công việc lát cần làm của mình khác với vì sợ con lạnh, đúng chứ em nhỉ?
Nếu vì công việc khác, một ngày nào đó em cho con tắm trước đi 30 phút ok không? Em, bác hay bố có sắp xếp được không?
Nếu vì sợ con lạnh, mấy hôm nay thời tiết nóng, thế thì em có còn sợ không?
CA: Dạ vâng ạ, ngày mai em sẽ rủ con luôn.
BK: CA thử xem, ở đây BK thử rồi, mà không, BK thật luôn ấy chứ, các mẹ trong nhóm nếu đã thật rồi cứ chia sẻ nhé.... @All
“Ken, Men ơi! Hai anh em thích nghịch nước chứ, hôm nay thời tiết ấm, bố cho con chơi trong nhà tắm, khi nào muốn ra thì gọi bố nhé, nếu con cảm thấy lạnh thì ra nhé”
Trạng thái lúc đó của mình KHÔNG CHÚT LO SỢ NÀO CẢ, tin tưởng tuyệt đối các con.
Thông qua một việc A, cho con chơi thật đã.
Sau rồi hỏi con hôm nay chơi thế nào.
Sau rồi hỏi hôm sau con muốn chơi thế nữa không.
Sau rồi mới bảo: Ok bố đồng ý, tuy nhiên nếu hôm nào bố không có thời gian, hoặc là bận thì mình sẽ tắm đủ thôi con nhé, ta nghịch vào hôm khác, con đồng ý chứ?
Hôm nào đã xác định cho con chơi việc A thật đã thì mình cần thu xếp thời gian.
Thông qua một việc A, cho con chơi thật đã, thế thì con tin tưởng hơn, con thấy bố hiểu mình hơn, bố có cho mình chơi mà, thậm chí còn mang đồ chơi vào nhà tắm cho mình, con tự nhận ra cái lạnh, con tự nhận ra cái lúc bố mẹ bận thì mình cần tôn trọng bố.. Và tư duy này nó kéo theo sang việc B.
Từ nền tảng tin tưởng bố, con cũng không vội phản kháng với bố trong việc B, C. Và tất nhiên bố lại cần tương tác hợp lý kẻo kéo niềm tin được tí lại tụt mất 2 tí, CA và các bạn hiểu ý BK chứ nhỉ?
“Dạ đúng là em thường sợ mọi thứ đi theo chiều xấu của nó, sợ mọi thứ không theo ý mình… sợ là mình không làm chủ đc kết quả mình muốn”
=> Và đó chính là nguyên nhân khiến cho em có một định kiến "mọi thứ đều có giới hạn".
Cái giới hạn em nghĩ là, em tưởng là đến từ nỗi sợ chứ không phải đến từ sự sáng suốt.
Ví dụ chuyện tắm, CA hiểu chứ em nhỉ?
CA: Rất hay Bk à. Em hiểu cách để tạo niềm tin ở con từ 1 việc cụ thể và cả 1 hành trình dài rồi ạ.
Em nghĩ mình cần thực hành triệt để, em sẽ chia sẻ thành quả lên nhóm sau đó.
BK: Chuyện nhà bóng hay một số thứ có thể cho con chơi đã được, thế thì thu xếp thời gian, thế thì thoáng đi, thế thì vô lo vô nghĩ đi... có gì đâu mà phải cấm cản mấy việc này. Sau rồi con sẽ thấy thậm chí rất thích nghe mình đấy. Sau rồi có những việc quan trọng cần nói không thì lúc đó mình mới nói, chứ cái gì cũng không ngay, cái gì cũng cản ngay, thế thì ai mà chịu nổi? Bất cứ đứa trẻ nào cũng không chịu nổi, vì các bạn ấy chỉ quan tâm niềm vui, niềm hạnh phúc, nó không quan tâm khi nào xong, xong để làm cái gì? Nó sẽ nghe lời khi tin tưởng vào sự thấu hiểu của bạn, hoặc bạn dụ kẹo, hoặc bạn quát mắng…
@TM : T sao thả tim nhanh vậy em?
CA: Dạ, ngoài phần nỗi sợ, em nghĩ là sẽ có thể vì tính mục tiêu cao nữa ạ.
Khi có 1 mục tiêu nào đó em thường muốn nhất định phải làm được nó.
Đôi khi đó là mục tiêu trong sự nghiệp, công việc, khiến em quên đi thời gian của con.
Giới hạn này của con vì mẹ phải làm việc này… :(( Thật là…
TM: Em đọc tất cả các tin nhắn của Bố Ken thì chưa tin nhắn nào mà khiến em không ngẫm về bản thân mình và các tình huống của em với con cả. Em mở sẵn màn hình điện thoại và chờ tin nhắn mới, thấy là em thả tim luôn rồi đọc và ngẫm.
Bố Ken: Cái nào ra cái đó.
Tin nhắn nào ra tin nhắn đó.
Em đang đọc, em đang có thời gian, sao phải vội, em cứ đọc, cứ chiêm nghiệm, em thấy hay, em thả tim, thả tim vì lòng thấy hay, vì trái tim mình thấy hay, vì thấy chạm tới mình.... em thấy nên thế không?
BK: Em hay nhắc tới mục tiêu và bị ám ảnh bởi mục tiêu không CA?
CA: Dạ có ạ.
Nhưng là em tự nhắc và muốn mình luôn nhớ tới mục tiêu. Vì nhớ tới nó thì mới tìm cách để đạt được ạ.
Em cảm ơn BK rất nhiều vì đã dành tâm huyết và hỗ trợ em giải quyết vấn đề của mình để gây dựng lại niềm tin ở con.
Ngay ngày mai em sẽ áp dụng luôn ạ.
Hy vọng sớm có thể chia sẻ lại với BK ạ.
BK: Mệt chưa CA, còn chưa xong em à, BK còn khỏe lắm.
CA: Thật sự là em mệt lắm…. rồi ạ.
Nếu ngày mai coach tiếp liệu có bị đứt mạch không ạ.
BK: Hãy cẩn thận bởi chữ MỤC TIÊU:
Trong khi chỉ nghĩ tới đạt được A, em bỏ qua bao nhiêu thứ, ví dụ tuổi thơ con,...
Người đói mà biết thưởng thức nó sẽ khác với người đói mà chỉ cho cơm vào miệng.
Trong khi Coach cho em mục tiêu của em là gì? Như hôm bữa, cẩn thận mục tiêu là ngủ sớm, ngủ sớm để mai.... nên hãy thực sự cân nhắc...thậm chí mục tiêu là bài học A, B nào đó cũng vứt đi, hãy cứ thả lỏng đi rồi cuối buổi Coach em sẽ tổng kết lại, thậm chí em gặt hái được nhiều.
Ok A...
Em còn nhiều nỗi lo sợ lắm, an toàn CA à, nhưng cứ mang nhiều nỗi sợ trong người rồi đổ bệnh đấy, ngủ thêm 1 tiếng thì khỏe cái thân, nhưng thiếu sáng suốt thì 1 ngày thì bao nhiêu thứ đổ vào đầu.
Chiêm nghiệm và chia sẻ cho BK bài học em nhé.
@All Các bạn khác, nghe bản nhạc này rồi đi ngủ nha, mai đọc lại và chia sẻ cho BK nghe hôm nay các bạn thấy thế nào, chạm tới mình điều gì, lưu ý gì cho mình nhé? Link
Đây là một bản nhạc hay, một trong những bản nhạc BK dùng để Coach, để nghe lúc ngủ trưa, lúc một mình, các bạn có thể CẢM NHẬN và chia sẻ với BK khi nghe nhé @All
CA: Dạ, thật ra sáng nào em cũng dậy sớm học rồi, mà không phải học, em là người dạy luôn, không phải mình quan trọng đâu ạ, mà mình không muốn vì mình mà người khác bị ảnh hưởng.
Vẫn biết mai có lớp, nhưng xác định tham gia coach cùng BK nên em đã không ngủ sớm như mọi khi, bây giờ thì không phải ngủ sớm để mai làm cái này làm cái kia đâu ạ.
Mà vì em cầm điện thoại mà tay hơi run run, đầu hơi ong ong, em thấy mình không đủ tỉnh táo.
BK: He, ok, em ngủ đi, nhớ học và hành, kẻo sau sẽ run lúc 10h, 11h chứ không trụ được đến 12h đâu, bởi bệnh lo thì sẽ kéo theo thế thật đấy các bạn à.
CA: Em cảm ơn BK nhiều lắm, nhưng em thì có một niềm tin là cứ tiếp tục học hỏi từ những nguồn thông thái, em sẽ làm chủ được nỗi sợ của mình.
Em không ngại học, và cũng không ngại thực hành.
21h ngày 05/04/2024
BK: Mục tiêu, CA và các bạn hãy đi qua đoạn Coach này, mỗi câu hỏi BK hỏi như là hỏi cho từng bạn vậy, chiêm nghiệm thật kỹ, thật kỹ nào các bạn.... @All
BK không có nói là mục tiêu là không tốt
Nhưng CA và một số bạn hãy để ý cái mục tiêu mình đang xây ấy:
Mục tiêu cho con ăn nhiều suy cho cùng là vì LO SỢ con còi, con thấp bé nhẹ cân, con thiếu sức khỏe.... thực ra nếu như con người tự ăn ngon, tự cảm thấy ngon, ta tạo những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng, thế thì không phải lo sợ, đúng chứ các bạn?
Mục tiêu con tắm nhanh suy cho cùng là vì LO SỢ con lạnh?
Mục tiêu con học giỏi suy cho cùng là vì LO SỢ con nghèo, sợ con thua bạn khác.…
Tất nhiên rồi, đứa trẻ nó sẽ phản kháng, nó sẽ chống đối vì NÓ KHÔNG LÀM THEO NỖI LO SỢ... đứa trẻ nó sẽ sống với những gì nó cho là hạnh phúc, nó không quan tâm lo sợ nào cả...BK đã hướng dẫn rồi, bằng cách hỏi cảm nhận của con, trở thành bậc thầy dẫn dắt con, con sẽ có thể tự biết ngon, tự biết lạnh, tự biết nóng, tự thấy nên tin tưởng bố mẹ, tự thấy nên học hành để hiểu về thế giới... Tức là con thậm chí con ăn ngon hơn, khỏe mạnh hơn, con thậm chí vui vẻ hơn, sự thích nghi tốt hơn, không ốm yếu, con thông minh hơn… Đứa trẻ học thông qua chơi vui vẻ mà.
Có một ý cực kỳ quan trọng nữa, BK cảm thấy cần dội liên tục, thậm chí dội cả năm. BK sẽ dội bất cứ ngày nào còn tương tác với các bạn, để chúng ta cùng tỉnh táo, rằng nỗi sợ nó sẽ không có điểm dừng nếu chúng ta không đủ NĂNG LỰC QUAN SÁT, nếu ta không chậm lại để quan sát nỗi sợ, nó sẽ lớn lên kinh khủng, mục tiêu xuất phát từ nỗi sợ thì khi mục tiêu hoàn thành thì cũng là lúc mà nỗi sợ nó lại dày thêm một chút, rồi nó sẽ bắt chúng ta phải xây mục tiêu này, chạy theo mục tiêu nọ, liên tục như thế chỉ để lấp trống nỗi sợ trong mình.
Bạn hiểu ý BK chứ? Bạn thấy thấm chứ? Bạn chiêm nghiệm rồi chia sẻ cho BK nghe coi, đừng buồn, hãy nhận ra và vui vì nhận ra được và đi qua, BK sẽ còn đồng hành.
Bạn thân mến,
Bố Ken hiểu bạn rất yêu con, bạn rất thương con, minh chứng là bạn đã có mặt ở đây và đọc đến dòng cuối cùng này. Thế nên Bố Ken và team đã hỗ trợ tỉ mỉ copy toàn bộ nội dung buổi Coaching để bạn thuận lợi trong việc học và thực hành, mong bạn có thật nhiều kiến thức, năng lực để không bị nỗi sợ hãi mà mình tưởng là, cho là kìm hãm niềm hạnh phúc, sự phát triển của con, của chính mình. Mỗi người đều tự nhận ra bài học cho riêng mình, muốn thực hành được bước 1 là TỰ VIẾT RA, bạn cũng thế, bạn cảm thấy thế nào, học được điều gì bạn viết ra nhé!
Hẹn bạn ở bài Coach số 17 của khóa 01 nhé, tất nhiên:
- Nếu bạn muốn tham gia chương trình Coaching "Cùng con với Bố Ken” để được bóc tách, thấu hiểu, đồng hành một cách sát sao, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của sự phát triển, để chính bạn, gia đình cũng trở nên hạnh phúc và sâu sắc hơn như các thành viên trong cộng đồng này…. hãy gửi tin nhắn đến số zalo 0705232999 để đăng ký (lưu ý: bé còn kịp chúng ta đăng ký sớm, mỗi năm Bố Ken chỉ tổ chức khoảng 2 chương trình, mỗi chương trình khoảng 150 thành viên)
- Nếu bạn thấy những bài Coaching này hữu ích cho hành trình làm mẹ, phát triển/tu dưỡng bản thân mình, hãy chia sẻ và giới thiệu cho những người thân yêu của chúng ta trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tùy tâm đóng góp một ít để Bố Ken và đội ngũ có ngân sách duy trì web/kênh cũng như cập nhật nhiều bài Coaching mới lên nữa ở mục Giáo Dục Tỉnh Thức. Điều đó không bắt buộc và tùy vào khởi nguyện của bạn.
Đóng theo lần hoặc theo năm và đọc cả đời
Nguyen Dinh Hieu
678223999 - VPBank
Nội dung: Cam on cac bai coaching
Thân gửi
Bố Ken ✍️